Giải đáp pháp luật

Hỏi: Nhiều người dân trong tỉnh muốn biết những quy định mới về chất lượng giáo dục đào tạo cũng như chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên giảng dạy các cấp học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, sẽ được thực hiện như thế nào?

- Đáp: Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, thì trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

- Đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

- Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ; đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ phải có bằng tiến sĩ.

- Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, giáo viên, nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục như sau: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. (Điều 67)

Ngoài ra một số quy định mới rất quan trọng mà các bậc phụ huynh học sinh và người dân cần biết, đó là:

- Trường hợp học viên học hết chương trình THPT không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác (theo Điều 45).

- Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, bao gồm các hành vi như sau: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật (theo Điều 12)