Hỏi – đáp về Luật Thư viện năm 2019

Ngày 21-11-2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Báo Ninh Thuận giới thiệu một số nội dung mới của Luật Thư viện năm 2019 dưới dạng hỏi-đáp.

Hỏi: Một số bạn đọc muốn biết Luật Thư viện quy định chức năng, nhiệm vụ của thư viện như thế nào?

Đáp: Theo quy định tại Điều 4 Luật Thư viện thì thư viện có các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện.

- Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện.

- Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện.

- Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.

Hỏi: Một số bạn đọc ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm muốn biết có bao nhiêu loại thư viện và thư viện được tổ chức theo những mô hình nào?

Đáp: Theo Điều 9 Luật Thư viện năm 2019 quy định như sau:

1. Thư viện bao gồm các loại sau đây: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; Thư viện cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là thư viện đại học); Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

2. Thư viện được tổ chức theo các mô hình sau đây:

- Thư viện công lập do nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

- Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân người Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

Hỏi: Một số bạn đọc ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước muốn biết điều kiện thành lập thư viện?

Đáp: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Thư viện thì thư viện được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;

- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;

- Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện;

- Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Hỏi: Một bạn đọc ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm muốn biết thành lập thư viện ngoài công lập được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 20 Luật Thư viện quy định đối với thành lập thư viện ngoài công lập như sau:

- Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền thành lập thư viện khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Đối với thư viện thành lập theo mô hình doanh nghiệp, việc thành lập thư viện thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hỏi: Một số bạn đọc ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn muốn biết “Phát triển văn hóa đọc” thông qua những hoạt động nào?

Đáp: Điều 30 Luật Thư viện quy định “Phát triển văn hóa đọc” như sau:

- Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

- Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây:

+ Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước;

+ Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;

+ Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện;

+ Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.