Hỏi-đáp Luật Giáo dục năm 2019

Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Hỏi: Rất nhiều phụ huynh học sinh quan tâm muốn biết những quy định mới về chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên ở các cấp học theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019

Đáp: Một số điểm mới về chế độ chính sách theo quy định Luật Giáo dục năm 2019, được quy định cụ thể tại Điều 85 như sau:

Thứ nhất, Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

Thứ hai, Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Thứ ba, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, đối với học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí như đã nêu trên.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong trong giờ ra chơi. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng thời, tại Điều 14 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc, Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục THCS; Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục; công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc; gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Tại Điều 99 quy định: Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí; còn đối với trẻ em mầm non 5 tuổi thuộc đối tượng khác và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Hỏi: Nhiều người dân trong tỉnh muốn biết những quy định mới về chất lượng giáo dục đào tạo cũng như chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên giảng dạy các cấp học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, sẽ được thực hiện như thế nào?

Đáp: Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, thì trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

- Đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

- Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ; đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ phải có bằng tiến sĩ.

- Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, giáo viên, nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục như sau: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. (Điều 67)

Ngoài ra một số quy định mới rất quan trọng mà các bậc phụ huynh học sinh và người dân cần biết, đó là:

- Trường hợp học viên học hết chương trình THPT không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác (theo Điều 45).

- Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, bao gồm các hành vi như sau: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật (theo Điều 12)