Hỏi-đáp: Về chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ- TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020; căn cứ Quyết định số 3222/QĐ-BTP ngày 31/12/2019 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2020.

Thực hiện Kế hoạch số 562/KH-UBND ngày 28/2/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Báo Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận trả lời một số nội dung bạn đọc quan tâm về chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Hỏi: Một số bạn đọc hỏi trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn tài chính là gì? Như thế nào được coi là người khuyết tật có khó khăn tài chính?

Đáp: Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn tài chính là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí (theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý ) trong các vụ việc, vụ án dân sự, hình sự, hành chính, đất đai…có liên quan quyền và lợi ích của mình bằng các hình thức: tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng.

Người khuyết tật có khó khăn về tài chính được quy định tại điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ- CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết Luật TGPL năm 2017 và khoản 10 Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tư pháp là người được cơ quan có thẩm quyền cấp một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp; quyết định được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật; quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.

Hỏi: Khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý người khuyết tật có khó khăn tài chính được những quyền và nghĩa vụ gì?

Đáp:

Quyền Người khuyết tật có khó khăn tài chính khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý như sau:

-Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

-Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

-Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

-Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định của pháp luật.

-Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghĩa vụ của người khuyết tật khi yêu cầu TGPL

- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người khuyết tật.

- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó

-Tôn trọng tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện TGPL

- Không yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác TGPL cho mình về một vụ việc đang được tổ chức thực hiện TGPL trợ giúp.

-Chấp hành pháp luật về TGPL và nội quy nơi thực hiện TGPL

Hỏi: Khi có vướng mắc về pháp luật, người khuyết tật có khó khăn tài chính liên hệ ở đâu để được trợ giúp pháp lý?

Đáp: Khi có vướng mắc về pháp luật, người khuyết tật có thể tìm đến địa chỉ sau để yêu cầu giúp đỡ pháp luật hoàn toàn miễn phí: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận. Địa chỉ: Số 165, đường 21 Tháng 8, phường Phước Mỹ (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

- Số điện thoại đường dây nóng: 02593. 93.73.73

- Phòng nghiệp vụ: 02593.827.862