Bước tiến giảm nghèo

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực, chung sức, chung lòng của nhân dân trong tỉnh, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cách đây 28 năm, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, khi đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao so với mặt bằng chung trong khu vực và cả nước (chiếm đến 28,13% vào năm 1992). Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,74%, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Nông dân Ninh Sơn chăm sóc bắp. Ảnh: V.M

Nổi bật là huyện Bác Ái, địa phương nằm trong 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với 87% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 66,72%, nhưng với quyết tâm không để cái đói, cái nghèo đeo bám thường xuyên, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, đến nay Bác Ái đã có sự đổi thay rõ rệt: Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển. Đến nay 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc cấp phối đạt 98,9%; trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 giảm còn 34,25%, hộ cận nghèo giảm còn 10,96% so với đầu năm 2019.

Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: từ một huyện có tỷ lệ nghèo rất cao, đời sống của đồng bào hết sức khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu, xuống cấp, nhưng đến nay diện mạo kinh tế - xã hội của huyện Bác Ái đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm cao hơn các địa phương khác trong tỉnh; các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu đã được đẩy lùi, xóa bỏ; bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, thì Bác Ái vẫn còn nhiều khó khăn, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy nội lực, chuyển đổi sinh kế cho đồng bào, đẩy mạnh kết hợp khai thác tiềm năng du lịch với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm đưa Bác Ái từng bước phát triển bền vững.

Luôn trăn trở với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảng bộ, chính quyền các cấp hôm nay xác định rõ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, làm sao để cho người dân trong tỉnh nâng cao thu nhập, có mức sống khá giả hơn, từ đó quê hương mới phát triển, đất nước mới giàu mạnh.

Thông qua việc triển khai các mô hình đã góp phần tăng thu nhập của người nghèo từ 15-20%. Bên cạnh đó với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức nhiều đợt tư vấn về xuất khẩu lao động; nhiều doanh nghiệp hình thành và mở rộng quy mô sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Đến cuối năm 2019, số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 15.930 người, trong đó số lao động được giải quyết việc làm là 1.0034/1.000 lao động đạt 100,3% kế hoạch giao. Xuất khẩu lao động được 210 lao động, đạt 140% kế hoạch giao. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Riêng năm 2019, doanh số cho vay hộ nghèo đạt 66,316 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt 125,314 tỷ đồng. Để hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách sớm ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, tỉnh hỗ trợ, cho vay xây dựng 153 căn nhà với kinh phí trên 4,4 tỉ đồng...

Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) đã vươn lên thoát nghèo.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước, công tác giảm nghèo trong những năm qua còn nhận được sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là chương trình hỗ trợ bò cái giống sinh sản giúp người nghèo phát triển kinh tế, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ 1.000 con bò cho 750 hộ nghèo với số tiền 19 tỷ đồng do Viettinbank, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Ngoại thương và Bộ đội biên phòng trao tặng. Các hội đoàn thể trong tỉnh đã phát động phong trào thi đua và thực hiện nhiều phong trào giúp nhau cùng phát triển trong hội viên, đoàn viên; nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả được nhân rộng, các phong trào giúp nhau trong dòng tộc, cộng đồng dân cư được triển khai thực hiện nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Từ những quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,60%, đạt 114% so với chỉ tiêu kế hoạch giao (1,4%). Riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 6,06%, đạt 121% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Dấu mốc quan trọng đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo là nhờ thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, từ đó tỉnh cũng đã kết hợp nhiều nguồn vốn để hỗ trợ hộ nghèo, tạo sinh kế để người nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là các chủ trương về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách khác đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm và giảm 4% huyện nghèo, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo chương trình đề ra. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay cùng với việc thực hiện đồng bộ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu và khả năng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương.