Nâng cao năng lực chăm lo sức khỏe nhân dân

Vượt qua những khó khăn, thử thách, ngành Y tế đã không ngừng vươn lên, nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực công tác. Bước sang “tuổi 28”, ngành Y tế tỉnh nhà đang ngày càng hoàn thiện hơn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Không ngừng hoàn thiện mạng lưới

Thời gian đầu đầu tái lập tỉnh, ngành Y tế đối mặt muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu thốn. Bắt tay vào “khôi phục” sự nghiệp, ngành củng cố lại bộ máy tổ chức; tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới y tế ở cơ sở, trong đó ưu tiên xây dựng trạm y tế cho các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa; từng bước nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các tuyến. Năm 1992, toàn tỉnh có 52 trạm y tế, không trạm nào có bác sĩ, chỉ có 48 trạm có y sĩ. Có 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ninh Hải, Bệnh viện Ninh Phước. Toàn tỉnh chỉ có 74 bác sĩ, ứng với 1,7 bác sĩ/vạn dân… Đến năm 2015, toàn ngành có 17 đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh (2 chi cục, 15 đơn vị sự nghiệp), 8 đơn vị trực thuộc tuyến huyện (1 bệnh viện đa khoa khu vực, 7 trung tâm y tế huyện, thành phố) và 7 trung tâm Dân số- Kế hoạch hoá gia đình huyện, thành phố; 100% xã, phường có trạm y tế. Trong giai đoạn 2015-2017, tỉnh đã thành lập Bệnh viện Mắt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Tuyền thông- Giáo dục sức khỏe; tổ chức lại Bệnh viện Y dược cổ truyền trên cơ sở sát nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y dược cổ truyền. Đặc biệt, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định sắp xếp lại các phòng chức năng thuộc sở, các phòng của các đơn vị trực thuộc; sát nhập, hợp nhất một số đơn vị; giải thể một số Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và giao Trung tâm Y tế huyện, thành phố đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của các Trạm Y tế xã, phường đã giải thể, nhờ đó bộ máy tổ chức được sắp xếp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, toàn ngành có 11 đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh (2 chi cục, 9 đơn vị sự nghiêp), giảm 6 đơn vị; đơn vị thuộc tuyến huyện còn 7 trung tâm y tế huyện, thành phố, giảm 8 đơn vị; tuyến xã còn 59 trạm y tế, giảm 6 trạm. Ngoài ra, ngành cũng quan tâm công tác xã hội hóa y tế tạo điều kiện thành lập, hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Duy Anh

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, ngành y tế còn chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài các chính sách đãi ngộ, đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ các năm 1995, 1996, ngành đã có chủ trương đưa một số y sĩ tại các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã đi đào tạo bác sĩ sau đó về các trạm công tác. Thực hiện Đề án 1816, ngành còn cử bác sĩ tuyến trên luân phiên xuống hỗ trợ cho các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới, giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn, giảm áp lực cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân. Đến nay, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế là trên 2.500 người, trong đó có 423 bác sĩ; đạt 9,1 bác sĩ/vạn dân; 45 dược sĩ đại học, đạt 1 dược sĩ/vạn dân. 86,1% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi…

Tạo lập niềm tin với nhân dân

Được đầu tư đồng bộ cả về nhân lực, vật lực, cùng sự quyết tâm của ngành y tế đã giúp cho công tác bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nếu trong thời gian đầu tái lập tỉnh, hoạt động y tế dự phòng cho đến khám chữa bệnh đều yếu, thậm chí nhiều xã miền núi còn trắng về y tế dẫn đến nhiều dịch bệnh hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân, thì đến nay, ngành Y tế tỉnh nhà đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, khẳng định năng lực, sự trưởng thành, tạo niềm tin đối với Đảng và nhân dân. Có thể minh chứng sự trưởng thành đó thôn qua một số dấu mốc quan trọng: Năm 1995, tỉnh ta đã đẩy lùi dịch tả, dịch hạch; từ năm 2000 không còn ca bệnh thương hàn; bệnh sốt rét được khống chế, những năm qua không có ca tử vong do sốt rét. Năm 2000, tỉnh được công nhận thanh toán bệnh bại liệt; năm 2005, được công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh. Năm 2015 được công bố loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh; Trung tâm Y tế dự phòng (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở nâng cao năng lực hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm lo sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, để nâng cao năng lực cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh- đơn vị y tế đầu ngành, ngoài tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật cao thông qua Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện tỉnh. Hiện bệnh viện đã có thể thực hiện khoảng 300 kỹ thuật của tuyến Trung ương; trong đó nổi bật là đã triển khai thực hiện kỹ thuật tim mạch can thiệp và đã thực hiện thành công hàng trăm ca chụp mạch vành, đặt stent, không những sử dụng tốt nhất “thời gian vàng”, xử lý nhanh chóng, kịp thời cho những ca bệnh nguy kịch, nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giúp bệnh nhân tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị thay vì phải chuyển lên tuyến trên.

Cán bộ Trung tâm y tế Thuận Nam đã tham gia tích cực trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: Văn Nỷ

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đặc biệt 2 ca nhiễm COVID-19 ở tỉnh ta đã được điều trị khỏi bệnh và cho đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Điều này càng khẳng định năng lực, vai trò của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tỉnh nhà, xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đồng chí Lê Vũ Chương cho biết: Năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, phát triển mà nghị quyết đề ra. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020: Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh; thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Đề án Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Ngoài duy trì các xã đã đạt, ngành phấn đấu có thêm 4 xã, nâng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế lên 86,2%. Triển khai Đề án đào nhân lực y tế giai đoạn 2017-2020.

Thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện và khống chế dịch bệnh, nhất là trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tiếp tục phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện tốt các đề án: Bệnh viện vệ tinh, 1816 … nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế. Đồng thời đẩy mạnh công tác cải tiến chất lượng bệnh viện; đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới mà Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.