Những "nhịp cầu" kết nối yêu thương

Xuất phát từ lòng nhân ái và sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, nhiều cá nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh trở thành những “sứ giả” kết nối yêu thương, san sẻ khó khăn với người nghèo thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Những thầy, cô giáo làm việc thiện

Mặc dù độ tuổi, điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng với mục đích sống được san sẻ tình yêu thương, chung tay giúp đỡ học sinh nghèo, tháng 1-2018, các thầy, cô giáo trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và một số nhà giáo quê ở Ninh Thuận vào TP. Hồ Chí Minh công tác đã thành lập “Nhóm Nhà giáo và những người bạn”. Với nhiều người, “Nhóm Nhà giáo và những người bạn” không chỉ là những người đứng trên bục giảng để truyền đạt tri thức mà họ còn là những người dẫn dắt, khơi nguồn cho dòng chảy yêu thương giữa những hoàn cảnh khó khăn với các nhà hảo tâm. Bởi khi nghe ở đâu có hoàn cảnh cần giúp đỡ là các thành viên trong nhóm tranh thủ đi xác minh, rồi kêu gọi mọi người, bạn bè quan tâm hỗ trợ. Mặc dù mới thành lập hơn 2 năm nhưng nhóm đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa như: Tặng sách, học bổng, hỗ trợ xây nhà, tặng quà, tặng vé xe về tết… cho hàng trăm lượt học sinh nghèo, với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhóm đã thực hiện các chuỗi hoạt động thiện nguyện, chung tay cùng chính quyền địa phương san sẻ khó khăn với 5.200 người dân thôn Văn Lâm 3. Ngoài việc cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho bà con, nhóm còn vận động trên 4.000 đầu sách giúp trẻ em trong thôn có những ngày “cách ly” ý nghĩa, bổ ích; hỗ trợ trên 100 suất quà cho người nghèo, với kinh phí gần 30 triệu đồng..

Tấm lòng người con xa quê

Từng trải qua tuổi thơ nghèo khó nên Nguyễn Thị Ngọc Hồng luôn đồng cảm với sự khó khăn thiếu thốn của những người yếu thế. Với mong muốn tiếp thêm nghị lực, hướng người nghèo vươn tới tương lai tốt đẹp hơn, Hồng thành lập nhóm “Dấu chân kết nối” gồm 30 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố cùng chung đam mê thực hiện các dự án cộng đồng thiện nguyện. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau hơn hai năm hoạt động, ngoài các chương trình thiện nguyện tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, các cơ sở cưu mang người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm của Hồng đã thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa.

Nhóm Dấu chân kết nối tặng quà cho những người bán vé số ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Mặc dù sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng Hồng thường xuyên làm “cầu nối” các nhà hảo tâm với hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà. Ý tưởng đầy nhân văn của nhóm đã lan tỏa, chạm đến trái tim của nhiều mạnh thường quân cùng chung tay giúp mảnh đời bất hạnh, xóa dần mặc cảm để vươn lên, có niềm tin vào cuộc sống. Dưới cái nắng ran rát đầu hè, những thành viên trong nhóm tất bật ngược xuôi kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ những cụ già neo đơn, em nhỏ khuyết tật làm nghề bán vé số bị “thất nghiệp” trong thời gian tạm ngưng phát hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Em Nguyễn Thị Ngọc Hồng, Trưởng nhóm chia sẻ: Hơn tuần qua nhóm đã quyên góp, hỗ trợ hơn 250 suất quà gồm gạo, mì tôm, khẩu trang, nước sát khuẩn,…cho các cụ già neo đơn bán vé số trên địa bàn thành phố, với kinh phí trên 15 triệu đồng. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách” nhóm tiếp tục kêu gọi thực hiện chương trình “Hạt gạo nghĩa tình” mong muốn kết nối thêm được nhiều tấm lòng vàng giúp người yếu thế ở quê vượt qua khó khăn trước mắt”.

“Sứ giả” vùng cách ly

Đang gặp khó khăn do thiếu nước sản xuất, cuộc sống của hơn 5.200 người dân thôn Văn Lâm 3, Phước Nam (Thuận Nam) càng chật vật khi bị cách ly do có 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Không để Văn Lâm 3 cô đơn, trong suốt thời gian cách ly người cựu binh Trần Thanh Sơn, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) luôn túc trực kịp thời chuyển tải hình ảnh về đời sống người dân kết nối với những nhà hảo tâm trên cả nước, đến nay có gần 200 triệu đồng gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn,... được chuyển đến cho người dân Văn Lâm 3.

Ông Trần Thanh Sơn trao quà vận động được cho đại diện xã Phước Nam để chuyển đến người dân thôn Văn Lâm 3.

Để có thể hoàn thành sứ mệnh “shiper” có lần 2-3 giờ sáng, ông đón xe chở khẩu trang từ Hà Nội gửi vào; hay những buổi trưa nắng tất tả đi mua hàng dùm bà con trong khu cách ly. Vất vả là vậy nhưng ông luôn mỉm cười hạnh phúc khi nhận được tin nhắn cảm ơn của người dân mỗi ngày; được chính quyền địa phương ghi nhận và hơn hết được các mạnh thường quân tin tưởng. Để rồi lại tiếp thêm động lực giúp ông miệt mài trên hành trình kết nối, sẻ chia yêu thương. Chia sẻ về những việc mình làm, ông cười khiêm tốn: Vốn dĩ dân tộc ta luôn có tinh thần tương thân, tương ái, mình chỉ làm nhiệm vụ “đánh thức”, chuyển tải đúng địa chỉ cần giúp. Giúp người cũng là giúp mình, góp được sức gì thì mình làm”. Tin rằng với sự chung tay của nhiều tấm lòng thơm thảo thông qua “cầu nối” của ông Thanh Sơn sẽ là những liều “vắc xin” giúp người dân Văn Lâm 3 vượt qua đại dịch.

Mong rằng những việc làm, hành động đẹp, giàu lòng nhân ái của các câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện sẽ góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa và kết nối nhiều hơn những tấm lòng vàng, góp phần xóa đi những căn nhà tạm bợ; để những người già không nơi nương tựa bớt cô quạnh, neo đơn; để trẻ em nghèo được hưởng niềm vui cắp sách đến trường; người bệnh có thêm động lực vươn lên chiến thắng bệnh tật, trở về với gia đình… Với tâm niệm “hạnh phúc là được sẻ chia” những người “kết nối” đều mong muốn được góp phần nhỏ san sẻ khó khăn với người nghèo, quan trọng hơn là kết nối được những trái tim và sự nhiệt huyết để mầm thiện nguyện ngày một phát triển, lan tỏa bóng mát nhân văn trong xã hội.