Thị trường... “ăn theo” giá xăng dầu

Chỉ trong hơn một tháng (từ ngày 24-2 đến 29-3), giá xăng dầu các loại đã điều chỉnh 2 lần với mức tăng hơn 20%. Đời sống của người dân, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vì thế đang đối mặt với không ít khó khăn…

Cước vận tải, chi phí vận chuyển đều tăng

 “Với thực tế giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua, chắc chắn các doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá vé.” Ông Trương Phi Hùng, Trưởng Ban quản lý Bến xe Phan Rang nói như vậy, sau khi xăng dầu tăng 2.000 – 2.800 đồng/lít, hôm 29-3. Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời điểm này lượng khách đi lại các tuyến đường xa (Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Bình Thuận…) ít hơn mọi khi nên các nhà xe chưa tăng giá vé.

Bà Nguyễn Thị Diện (chủ doanh nghiệp xe Hoàng Anh – Tp.PR-TC) tính toán: “So với đầu năm 2011, chi phí nhiên liệu hiện tăng đến 20%, do vậy giá xe ít nhất phải tăng 15% mới đủ… sở hụi”. Như vậy, sắp tới, dự kiến của các doanh nghiệp vận tải, giá vé xe đò Phan Rang – Sài Gòn sẽ vào khoảng 140.000 đồng (thay vì là 120.000 đồng/vé như hiện nay).

Giá rau, củ tăng nhẹ nhưng nông dân không lãi hơn vì chi phí vận chuyển cũng tăng.
Ảnh: Lê Trường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh – chủ yếu là xe khách đường dài – đã có văn bản đề nghị Sở GTVT cho phép tăng giá vé. Ông Nguyễn Văn A, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Lộc Phát, cho biết, trong thời gian chờ cơ quan chức năng có ý kiến về việc điều chỉnh giá vé phù hợp với thực tế, giá vé xe buýt của công ty vẫn giữ nguyên mức cũ.

Không chỉ ngành GTVT khó khăn, hoạt động đánh bắt hải sản của bà con ngư dân cũng chật vật vì giá xăng dầu. Gần 100 tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá Ninh Chử không chỉ đơn giản vì thời tiết xấu. Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng cảng cho biết: “Mấy ngày qua nhiều bà con ngư dân chờ thông tin, dự báo về khu vực ngư trường mới ra khơi. Với thực tế giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, chi phí ra biển rất lớn, nếu không trúng mẻ thì xem như lỗ nặng.”. Ông Trần văn Kiệt, chủ tàu NT2661, lo lắng: “Thuyền của tôi công suất nhỏ 45CV, tối đi – sáng về, nhưng cũng hết 100 lít dầu. Như vậy mỗi chuyến biển phải thêm 300.000 đồng.”. Ông Nguyễn Phạm Lưu Hiển, Trưởng cảng cá Cà Ná cũng cho hay, hiện cảng có 782 tàu cá địa phương và khoảng 200 tàu vãng lai của các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi… neo đậu. Phần vì thời tiết bất lợi, trong lúc giá xăng dầu tăng cao, nên dù đã bắt đầu vụ cá Nam, nhưng không ít thuyền đang “nằm bờ”.

Ngay cả các phương tiện vận tải thô sơ “hậu cần” nghề cá cũng tăng giá theo… xăng dầu. Anh Nguyễn Văn Tuấn (Đông Hải – Tp. PR-TC) hành nghề chở thuê bằng xe Hoa Lâm tại Cảng cá Ninh Chử (Ninh Hải) cho biết, trước ngày xăng dầu tăng giá (29-3), tiền công chuyên chở một chuyến cá từ Đông Hải lên chợ Phan Rang là 100.000 đồng, nay tăng thêm 20.000 đồng (120.000 đồng/chuyến), nhưng chi phí “mất đứt” gần một nửa.

Phải thắt chặt chi tiêu!

Đây là giải pháp hữu hiệu nhất với người tiêu dùng khi hầu hết giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh theo giá xăng dầu.

Chị Lan, viên chức của một cơ quan hành chính, cho hay, đi chợ bây giờ khó quá, mọi thứ đều tăng giá, trước đây, chỉ 60.000-70.000 đồng là mua được thức ăn cả ngày cho gia đình 4 người, nhưng nay ít nhất phải trên 100.000 đồng. Chị em Minh– Phương (công nhân của Công ty May Tiến Thuận) cho biết, để tiết kiệm chi tiêu, cả hai phải mang theo cơm để ăn trưa, rồi vào ca, thay vì mua cơm hộp như trước đây.

Những bà nội trợ, khi được hỏi đều bảo vấn đề “tiên quyết” trong lúc này là phải “thắt lưng buộc bụng” để lo cho gia đình, con cái học hành.

Giá cả các mặt hàng tăng mạnh, người tiêu dùng do lo sợ hàng giả, hàng trôi nổi ngoài thị trường tự do nên có khuynh hướng tìm đến siêu thị. Khảo sát tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, lượng khách mua sắm tập trung ở gian hàng rau xanh và thực phẩm. Theo tổng hợp từ phòng kinh doanh của Siêu thị, trung bình mỗi ngày, nơi đây thu hút gần 3.000 lượt khách đến mua sắm.

… Một điều dễ nhận thấy là “hội chứng” thị trường “ăn theo” sau mỗi lần giá xăng, điện tăng. Thiết nghĩ, ngay khi điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giá bán trên thị trường, tránh tính trạng nhiều mặt hàng dù không bị ảnh hưởng nhưng vẫn “té nước theo mưa”. Có như vậy, người tiêu dùng mới đỡ thiệt thòi.