Mang lại niềm vui cho hộ nghèo

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, trong những năm qua, các địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác đã thực hiện tốt việc phối hợp giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Kênh tiếp sức hiệu quả

Nhìn lại hoạt động tín dụng của NHCSXH tỉnh sau gần 17 năm đi vào hoạt động cho thấy, số lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi không ngừng tăng. Đến thời điểm cuối tháng 11-2019, tổng nguồn vốn huy động và khai thác của đơn vị đạt trên 2.159 tỷ đồng, tăng hơn 162 tỷ đồng so với đầu năm. Từ nguồn vốn trên, trong năm qua NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay với tổng số tiền trên 560 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 15 chương trình đạt hơn 2.151 tỷ đồng, tăng 138,8 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ tăng trưởng so với dư nợ đạt 6,9%; tỷ lệ hoàn thành tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng được giao đạt 87,3%.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn cho các đối tượng vay tại điểm giao dịch.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đáng mừng là đa số các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ từ chỗ nghèo khó, đến nay đã vươn lên thoát được nghèo. Đơn cử như gia đình chị Châu Thị Nắng ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), trước đây thuộc diện hộ nghèo nhất nhì tại địa phương. Năm 2008, được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp vay 10 triệu đồng từ NHCSXH, chị đầu tư mua bò về nuôi, sau nhiều năm gầy dựng, từ 1 con ban đầu đã tăng lên thành 7 con. Năm 2014, chị bán bớt 2 con bò lấy vốn cải tạo lại 4 sào đất vườn, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để trồng 1,5 sào đậu phộng và 2,5 sào nho. Từ việc xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả, mỗi năm gia đình chị có thu nhập ổn định gần 70 triệu đồng. Năm 2016, gia đình chị chính thức xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Trường hợp hộ chị Phan Thị Phú, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) cũng từ một hộ khó khăn. Năm 2014, thông qua chương trình cho vay sản xuất kinh doanh của NHCSXH, chị được vay 20 triệu đồng. Số tiền này chị đầu tư mua 1 con bò cái sinh sản, số tiền còn lại đầu tư cải tạo 5 sào đất rẫy để trồng hoa màu. Sau một thời gian chịu khó làm ăn, chị đã tích lũy trả được nợ. Tháng 6-2015, chị tiếp tục được NHCSXH cho vay thêm 30 triệu đồng rồi đầu tư toàn bộ vào nuôi bò sinh sản, nhờ đó có thời điểm đàn bò của chị phát triển lên tới cả gần chục con. Sau khi rút bán bớt để xây nhà, mua thêm đất ruộng sản xuất lúa, hiện chị vẫn còn 2 con bò cái sinh sản, gia đình chị đã được công nhận thoát nghèo.

Cũng nhờ được vay vốn NHCSXH, đến nay gia đình anh Trương Bắc Hà ở khu phố 4, phường Đài Sơn (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) đã vươn lên làm chủ một cơ sở may gia công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Hà chia sẻ: Năm 2015 được vay 15 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi, tôi đầu tư mua 2 máy may công nghiệp, 1 máy cuốn biên và bắt đầu nhận hàng từ TP.Hồ Chí Minh để may gia công các sản phẩm như áo khoác và đồ đồng phục học sinh... Đến tháng 5-2017, khi trả hết nợ cũ, gia đình anh tiếp tục vay thêm 25 triệu đồng để trang bị thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nhờ đó hiện nay gia đình anh có thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/tháng; đồng thời, còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng

Tỉnh ta hiện có 65 xã, phường, thị trấn; dân số có khoảng 600 ngàn người. Trong đó, có 37 xã, 77 thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 15 xã, 17 thôn khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn khoảng 6,74%. Để tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã xây dựng được mạng lưới hoạt động gồm: Hội sở tỉnh và 6 phòng giao dịch NHCSXH tại các huyện, thành phố; 65 điểm giao dịch theo lịch cố định hàng tháng đặt tại trụ sở UBND 65 xã, phường, thị trấn, nhờ đó việc thực hiện chính sách cho vay và giải quyết các thủ tục hồ sơ được nhanh chóng và linh hoạt.

Người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển nghề gốm .

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Bám sát chính sách phát triển của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong năm 2020, NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm, bố trí bổ sung vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH; nỗ lực, tích cực huy động nguồn vốn từ dân cư và vốn từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn để đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để theo dõi, phối hợp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là công tác kiểm tra nội, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị từ cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.

Ngoài các giải pháp kể trên, NHCSXH tỉnh còn phối hợp với các sở, ngành trình UBND tỉnh chủ trương xây dựng Đề án cho vay giải quyết việc làm tại địa bàn thành thị và các xã nông thôn mới; Đề án cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi bằng nguồn vốn địa phương. Phối hợp các cơ quan: Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, lãi đúng kỳ hạn theo quy định. Tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, UBND cấp xã, phường, thị trấn phối hợp tích cực với NHCSXH các cấp thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Phối hợp các hội, đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác. Quan tâm công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, để chuyển tải kịp thời, có chất lượng nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo an toàn và hiệu quả.