Ninh Hải tiếp tục đánh thức tiềm năng kinh tế biển

Đến Ninh Hải vào một ngày cuối năm, dù trong cơn gió bấc lồng lộng nhưng được thả bước du hành trên tuyến đường ven biển từ Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải) đến thị trấn Khánh Hải, chúng tôi dường như quên đi không khí se lạnh.

Cứ mỗi đoạn đường, dừng lại ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, tôi cảm nhận rõ sự phong phú sản vật của các làng quê biển Ninh Hải. Trải dài khoảng 58 km bờ biển thuộc 5/9 xã,thị trấn, vừa có núi, vừa có biển, đã từ lâu Ninh Hải được coi là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển.

Đánh thức tiềm năng du lịch biển

Nói về kinh tế biển, trước hết phải nói tới du lịch biển. Với các cảnh quan bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, Hòn Đỏ, Vườn Quốc gia Núi Chúa…Ninh Hải có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển. Tìm hiểu tại thị trấn Khánh Hải, chúng tôi được biết kinh tế du lịch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong bức tranh kinh tế địa phương. Đến đây, khách du lịch thường chú ý thưởng lãm các danh lam thắng cảnh như: Vịnh biển Ninh Chữ, núi Đá Chồng, đầm Nại. Đặc biệt là núi Đá Chồng, một điểm đến hấp dẫn gắn với loại hình du lịch tâm linh đã và đang được quy hoạch để kêu gọi đầu tư khai thác. Anh Phan Anh Tuấn, một du khách đến từ Đồng Tháp chia sẻ: Đến đây được ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, nằm dưới bóng mát của hàng dương bãi tắm Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chữ, tận hưởng không khí thoáng đãng, trong lành đã làm người tôi khỏe hẳn lên.

Ngư dân Ninh Hải phát triển tàu thuyền nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản.

Những năm qua, cùng với quy hoạch xây dựng thị trấn Khánh Hải thành đô thị du lịch; xây dựng khu đô thị ven Đầm Nại; tổ chức quy hoạch 3 cụm du lịch (Vĩnh Hy, Ninh Chữ và Thanh Hải), Ninh Hải tiếp tục được đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, một số dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể giữa tháng 7 năm ngoái, Ninh Hải đã khánh thành đưa vào hoạt động Khách sạn Sunrise. Song song đó, đã đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện các hạng mục của dự án Khu du lịch, khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải trên phần đất sạch đã được huyện bàn giao mặt bằng; phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực. Nhờ chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch được cải thiện và đầu tư mới, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu nên lượng du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tăng bình quân 18,3%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 28%/năm. Năm 2019, Ninh Hải đã đón 1,372 triệu lượt du khách, tăng 316.500 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 743,1 tỷ đồng, tăng 112,1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Riêng Resort Amanơi đón 13.430 lượt khách, trong đó có 9.557 lượt khách quốc tế, doanh thu 200 tỷ đồng.

Khai thác sản vật từ biển

Theo các nhà chuyên môn, đặc điểm của biển Ninh Hải là có nhiều bãi, rạn san hô sống, là nơi cư trú sinh sản của các loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn nên rất phù hợp cho phát triển kinh tế thủy sản. Bên cạnh đó còn có đầm Nại (diện tích tự nhiên 1.200 ha, chứa khoảng 24 triệu mét khối nước), nơi sinh sống của 320 loài thủy sản, là một trong 12 đầm phá quan trọng của nước ta. Các vùng biển thuộc Khánh Hải, Tri Hải, Thanh Hải lại có khu cảng biển chuyển tải Ninh Chữ, khu đóng tàu, cảng cá Ninh Chữ, cảng cá Mỹ Tân, có các dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản. Thềm biển tương đối sâu, nước biển có độ mặn cao đã giúp cho các xã phía đông đầm Nại có hoạt động sản xuất muối lâu đời. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, từ các điều kiện tự nhiên trên, cùng với du lịch biển, huyện đã và đang tiếp tục phát triển ngành muối công nghiệp, muối diêm dân; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm post giống, chế biến hải sản...

Diêm dân Ninh Hải thu hoạch muối. Ảnh: P.B

Về sản xuất muối, với diện tích 652 ha đồng muối diêm dân, tập trung chủ yếu ở khu vực đầm Vua, Khánh Hải, Tri Hải, năm 2019 Ninh Hải đạt sản lượng khai thác 337.000 tấn, vượt 26,22% kế hoạch. Trong lĩnh vực khai thác hải sản, cơ cấu thuyền nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện toàn huyện có 869 tàu cá các loại (120.173 CV), công suất bình quân 138,28 CV/chiếc, tăng 26,19 CV/chiếc so với năm 2018. Năng lực tàu cá tăng đã mang lại hiệu quả đánh bắt, sản lượng khai thác hải sản trung bình đạt 14.000 tấn/năm, riêng năm 2019 đạt sản lượng 16.170 tấn, vượt 15,5% kế hoạch năm. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Ninh Hải đạt diện tích nuôi hằng năm trên 600 ha, được phân bố theo hình thức: Nuôi lồng bè ở dọc bờ biển và tận dụng mặt nước thả nuôi ở các vùng quanh đầm Nại. Ngoài nuôi tôm sú, hàu Thái Bình Dương, các mô hình nuôi ốc hương, tôm hùm, cá bớp, cá mú, cua, ghẹ, trồng rong sụn, chế biến hải sản... đã thu hút được hàng trăm lao động ở địa phương và đem lại thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ gia đình. Riêng tôm post giống, toàn huyện có 190 công ty, cơ sở sản xuất với sản lượng tôm giống năm 2019 đạt 7,65 tỷ post, vượt kế hoạch 31,89% và tăng 7,75% so với cùng kỳ.

Từ kết quả trên, việc “đánh thức” tiềm năng kinh tế biển đã trở thành mục tiêu hàng đầu được huyện Ninh Hải tiếp tục thực hiện trong năm Canh Tý 2020. Theo đó, đối với du lịch biển, sẽ tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh địa phương, phấn đấu đón trên 1 triệu lượt du khách với tổng doanh thu 820 tỷ đồng. Về kinh tế thủy sản, khuyến khích đầu tư đóng mới tàu lớn, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao; phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ổn định diện tích nuôi tôm 500 ha và mở rộng nuôi một số đối tượng nuôi mới.