Giữ rừng mùa xuân

Tiết trời những ngày cuối năm se lạnh, báo hiệu một mùa xuân mới lại đến. Ngày xuân là dịp mọi người sum họp quây quần bên gia đình, thăm hỏi người thân, bạn bè. Thế nhưng, vì bình yên của những cánh rừng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh vẫn cần mẫn làm việc, ngày đêm lặn lội khắp những cánh rừng tuần tra, canh gác để giữ “lá phối xanh” cho đại ngàn. Với họ, tết cũng gắn với rừng.

Vững vàng giữa rừng

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm Trạm Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) là trạm có vai trò then chốt trong việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ và phát triển rừng. Năm nào cũng vậy, ngay từ giữa tháng Chạp những nhân viên ở đây lại nhận được lệnh ở lại trực tết, cũng có nghĩa là đón tết với rừng. Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Công Hùng, Trạm trưởng Trạm QLBVR Tầm Ngân mở đầu bằng câu chuyện vui “Nhà nhà nghỉ tết, nhưng lâm tặc chưa chắc đã nghỉ tết” - câu nói vui mà có lẽ rất thật của anh. Anh Hùng cho biết: Trạm có 4 nhân viên thuộc biên chế của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha. Do lâm phần quản lý rộng với 2.000 ha, là địa bàn rất nhạy cảm, nên “lâm tặc” thường lợi dụng các dịp lễ, tết để vào rừng, vì vậy đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ bắt đầu từ ngày 25 Tết đến mùng 6 Tết âm lịch. Để giữ được rừng ngày tết, anh em ở trạm thay nhau phối hợp với các lực lượng công an, tổ cộng đồng đi tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Do lâm phần của đơn vị giáp tỉnh Lâm Đồng, một số tiểu khu là điểm “nóng” nằm rất xa trạm, đường rất khó đi nhưng anh em cũng phải theo lên đến tận nơi để rà soát, chốt chặn. Để động viên anh em, tết năm nào, Ban quản lý cũng có chế độ “ đặc thù” nên anh em cũng yên tâm.

Nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tầm Ngân phối hợp với các lực lượng công an,
tổ nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát lâm phần đơn vị quản lý.

Trực tết cũng có nghĩa là sẽ “đón tết…cùng rừng”. Với các lực lượng QLBVR, tuy phải đối mặt với lâm tặc, với những hiểm nguy rình rập, nhưng điều đó không làm các anh nản chí, mà còn làm cho các anh gắn bó với rừng hơn. Với 29 năm gắn bó với rừng, cùng anh em hành quân vượt đồi cao, suối sâu tuần tra khắp các cánh rừng, anh Nguyễn Công Hùng là người có thâm niên “ngủ rừng” nhiều nhất. Với chừng ấy thời gian sống cùng rừng, không có chỗ nào mà anh không tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào mà anh không trải qua. Anh Hùng tâm sự: Để bảo vệ bình yên cho những cánh rừng, đặc biệt là những ngày lễ, tết, anh em phải vác ba lô vào rừng, không để lâm tặc lợi dụng cơ hội để vận chuyển lâm sản trái phép. Vì vậy, những lực lượng làm công tác giữ rừng như chúng tôi thì làm gì có tết, vào tết công việc còn vất vả hơn. Đón tết giữa rừng đã trở thành thông lệ của những người làm nghề giữ rừng lâu lăm như mình rồi. Nói thật, mỗi khi tết đến cũng chạnh lòng lắm, giữa lúc mọi nhà đều quây quần ấp áp trong không khí đón năm mới, những đêm lạnh ngủ giữa rừng già, giữa chốt, trạm, khó có thể tránh khỏi những bùi ngùi, tủi thân. Nhưng nếu xa rừng mấy ngày thì lại nhớ vô cùng…” – anh Hùng trải lòng.

Tạm biệt Trạm QLBVR Tầm Ngân, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt đèo Sông Pha đến Trạm Bảo vệ rừng Eo Gió nằm trên đỉnh đèo, nơi có những chốt, trạm xa nhất, thuộc xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Trạm Bảo vệ rừng Eo Gió nằm nép mình bên những cánh rừng thông đại ngàn. Sắc xuân ở đỉnh đèo Sông Pha thật đẹp, núi rừng trùng điệp, trên những ngọn núi, những đám mây trắng bồng bềnh huyền ảo, tiếng chim rừng hót ví von vọng ra từ những cánh rừng già khiến khung cảnh trở nên quyến rũ hơn. Trạm hiện có 5 nhân viên làm công tác bảo vệ rừng. Bên ly trà nóng, anh Trương Nhật Y, Trưởng trạm QLBVR Eo Gió mở lời: “Tết à…với anh em chúng tôi, ngày tết cũng như ngày thường thôi, đôi khi còn vất vả hơn chứ…”, bởi nhiệm vụ của chúng tôi là phải duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Vừa nhâm nhi ly trà, anh Nhật Y nói: Mỗi đợt tuần tra, truy quét, anh em phải vượt cả chục km đường rừng, vai vác tư trang và lương thực để sống trong rừng dài ngày. Nơi ăn, nghỉ của anh em là những lán trại di động, nên thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Cuộc sống nơi rừng sâu, các anh em đều phải tự khắc phục dựa trên kinh nghiệm trong các chuyến đi rừng. Nguy hiểm và thiếu thốn là vậy, những ngày nắng cũng như ngày mưa, với lòng nhiệt huyết, tình yêu thiên nhiên, yêu rừng, nhưng lực lượng giữ rừng ở đây vẫn tích cực bám dân, bám rừng để triển khai các phương án bảo vệ rừng. “Vào nghề là phải chấp nhận khó khăn, đặc biệt những ngày tết thì phải tăng cường cảnh giác. Vì vậy, bám rừng là công việc thường ngày của chúng tôi. Ăn trong rừng, ngủ lại rừng mãi cũng thành quen!. Công tác bảo vệ rừng gian nan và nguy hiểm, nhưng giữ được màu xanh cho “đại ngàn” là niềm vui của cả đơn vị”. - Anh Nhật Ý chia sẻ.

Mùa tết – mùa cao điểm giữ rừng

Với những lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng, mùa tết cũng là thời gian cao điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phát rừng và trực phòng, chống cháy rừng. Bởi đây là cao điểm của mùa khô, cộng với việc các đối tượng xấu thường lợi dụng những ngày tết để thực hiện các hành vi vi phạm lâm luật. Anh Nguyễn Công Hùng, cho biết: Khu vực rừng ở đây luôn là “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…đặc biệt là các tiểu khu nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, nên những ngày tết, không riêng gì các lực lượng QLBVR của các đơn vị chủ rừng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, mà toàn bộ lực lượng làm công tác giữ rừng luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia ứng phó kịp thời các tình hướng khẩn cấp. Tôi còn nhớ, vào ngày đúng mùng 1 Tết năm 2016, khi nghe thông tin có cháy rừng ở khu vực giáp ranh với huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), anh em trực tại trạm lập tức xác định vị trí, tức tốc hành quân lên đó để xử lý kịp thời. Sau một ngày đi dập lửa rừng về đến trạm, chưa kịp vào nhà thì nghe có thông tin có cháy lại anh em lại quay xe, tức tốc lên đường, nếu không dập kịp thì hậu quả khó lường bởi diện tích rừng trên địa bàn lớn.

Thêm một mùa xuân mới đang về. Trong không khí đón xuân vui vẻ của mọi gia đình, thì đâu đó trong sâu thẳm của “đại ngàn” vẫn còn có những con người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho những cánh rừng.