Những cung đường kết nối mùa xuân

Mùa xuân, đi trên những cung đường mới mở, từ đồng bằng lên miền núi, đến đâu chúng tôi cũng cảm thấy không gian như bừng lên một sức sống mới. Những cung đường mùa xuân ấy đã và đang kết nối giữa đồng bằng và miền núi; là cầu nối thông thương hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Kết nối các miền quê

Nhìn lại năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng ý chí và nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền và nhân dân, nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện. Với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu đường và hạ tầng giao thông, đã đóng góp tích cực trong việc kết nối các vùng miền, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Một trong những cung đường vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5-2019 đó là tuyến Ba Tháp-Suối Le-Phước Kháng (Thuận Bắc) với tổng chiều dài hơn 20 km, đã tạo điều kiện cho người dân địa phương đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Với kết cấu đường bê tông rộng, có hộ lan kiên cố an toàn, việc đi lại trên tuyến dù qua nhiều địa hình đồi núi, vực sâu nhưng khá thuận lợi và đầy thú vị. Qua những cung đường như dải lụa vắt qua sườn núi, hai bên bạt ngàn cây xanh, rẫy bắp, chuối, đậu trĩu quả, cảm nhận được sự phát triển đi lên của vùng đất từng gặp nhiều khó khăn, cách trở này. Ông Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng cho biết: Việc thông tuyến Suối Le-Phước Kháng-Ba Tháp đã gỡ được nút thắt giao thông quan trọng cho người dân trong quá trình vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nông sản với các địa phương lân cận, đây cũng là điều kiện để chính quyền xã từng bước cụ thể hóa thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tuyến đường Phước Đại-Phước Trung-Phước Chính gióp phần kết nối các xã miền núi huyện Bác Ái.

Trong năm qua, cùng với tuyến đường này, tuyến đường Phước Đại-Phước Trung, tuyến Lâm Sơn-Phước Hòa cũng đã được nâng cấp, hoàn thiện các hạng mục còn lại, tạo sự kết nối các địa phương miền núi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nếu như ngày xưa việc đi lại phải mất từ vài giờ đồng hồ, thì nay chỉ còn lại vài chục phút chạy xe máy. Những con đường mới này, đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhiều vùng quê, biến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm xích lại gần nhau hơn, cùng phát huy tiềm năng phát triển.

Mở ra cơ hội phát triển

Cùng với sự phát triển, năm qua hàng loạt tuyến đường mới trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng được đầu tư xây dựng. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ của hạ tầng giao thông thành phố. Với sự tăng nhanh của các loại phương tiện vận tải, nguy cơ bị ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm tại điểm giao Ngã năm Phủ Hà, đường Thống Nhất là rất lớn. Sau khi các tuyến đường nhánh kết nối với đường Lê Duẩn mở ra, nối thông tuyến với đường Phan Đăng Lưu (tuyến tránh QL27) đi vào khai thác đã giảm áp lực giao thông rất lớn cho thành phố. Không chỉ vậy, các khu đô thị phía Đông thành phố cũng đang dần hoàn thiện tạo đà phát triển mạnh mẽ và mở rộng không gian thành phố. Trong năm qua, đã có nhiều tuyến đường được mở mới và nâng cấp như tuyến đường 21 Tháng 8, đường Phan Bội Châu (Mỹ Bình), đường Yên Ninh ra biển và các tuyến đường nội thị tại các khu đô thị mới như K1, K2, Khu dân cư Bắc Trần Phú và Khu Công an tỉnh… góp phần hình thành mạng lưới giao thông kết nối với các trục đường chính của thành phố. Sắp tới đây, khi công trình đập hạ lưu Sông Dinh hoàn thành đi vào sử dụng với cầu nối giao thông giữa xã An Hải (Ninh Phước) với phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), sẽ đáp ứng nhu cầu kết nối hai bờ sông Dinh, phục vụ phát triển đô thị và việc đi lại vận chuyển hàng hóa giữa huyện Ninh Phước và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Đây là những con đường đẹp, có đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng, kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố.

Công trình cầu An Đông trên tuyến đường quốc phòng ven biển, kết nối phát triển các địa phương ven biển .

Ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Xác định giao thông là lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên đầu tư và phải đi trước một bước để tạo tiền đề cho phát triển, trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tích cực đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục cấp vốn đầu tư hoàn thành các dự án. Mặt khác, huy động các nguồn vốn từ các chương trình dự án, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đường cửa ngõ phía Nam Tp. Phan Rang-Tháp Chàm; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn tỉnh; tuyến đường vành đai tỉnh Ninh Thuận và tuyến đường nối từ Quốc lộ 27B đến Lâm Đồng (tuyến tránh qua đèo Ngoạn Mục) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần vào thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Mùa xuân này, đi trên những cung đường mới, càng thêm tin tưởng, tự hào vào sự phát triển của tỉnh nhà. Tin rằng với sự phát triển mạnh mẽ, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều công trình, những cung đường tiếp tục được quan tâm đầu tư, góp phần xây dưng quê hương Ninh Thuận trở nên giàu đẹp trong tương lai không xa.