Tạo bước đột phá trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn

Năm 2020, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá để đưa các nhóm ngành có thế mạnh của địa phương như năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế bứt phá đi lên. Đó là mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và dự toán thu ngân sách nhà nước vừa được UBND tỉnh tổ chức.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhờ thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp chủ yếu và 169 nhiệm vụ cụ thể nên bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2019 có nhiều điểm sáng, đặc biệt là các nhóm ngành trụ cột của tỉnh như năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển đạt nhiều kết quả rất tích cực.

Công ty Cổ phần Dệt Gia Dụng Phong Phú (Ninh Sơn) sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: V.M

Năm 2020, UBND tỉnh xác định lợi thế cạnh tranh của từng nhóm ngành cụ thể để tổ chức lại sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, khâu ưu tiên và các giải pháp đột phá của từng ngành, lĩnh vực để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11-12%; GRDP bình quân đầu người đạt 59-60 triệu đồng/người; thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,5%... đảm bảo hoàn thành đạt và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong năm 2020, UBND tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, với 206 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh cùng nỗ lực thực hiện để đạt hiệu quả cao. Trong đó, tỉnh tập trung thực tạo chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá để đưa các nhóm ngành có thế mạnh của địa phương như năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế bứt phá đi lên.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét trong hành động thực hiện các thể chế, nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết phát triển KT-XH năm 2020 của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nhất là Nghị quyết số 115/2018/NQ-CP để khai thông nguồn lực thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, điện khí, thủy điện tích năng, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. 

Bên cạnh đó tập trung đánh giá làm rõ những trở lực cho sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), bảo đảm đạt công suất 2.000 MW hòa lưới điện quốc gia; đồng thời xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực ở khu kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là cảng nước sâu Cà Ná, tổ hợp điện khí Cà Ná, dự án thủy điện tích năng Bác Ái, đường cao tốc đoạn qua Ninh Thuận; thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu hết năm 2020 giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng từ 15-16%. Đồng thời phấn đấu hoàn thành bổ sung các khu du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh vào khu du lịch quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao, nâng cao chất lượng các điểm đến. Phấn đấu năm 2020 thu hút khách du lịch trên 2,5 triệu lượt khách. Ngoài ra tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo thứ tự ưu tiên đó là: Năng lượng và các ngành kinh tế biển mới; du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác các tài nguyên khoáng sản biển khác…

Tập trung phát triển năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong ảnh: Trung Nam Group đầu tư điện gió và điện mặt trời tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Riêng với lĩnh vực năng lượng tái tạo, đến cuối năm 2019, Ninh Thuận đã có 20 dự án được đầu tư; trong đó 17 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió đã hoạt động với công suất 1.219,915 MW. Hiện nay tất cả những khó khăn về giải tỏa công suất điện đang được UBND tỉnh cùng các bộ, ngành Trung ương có liên quan phối hợp giải quyết để các dự án, các doanh nghiệp phát huy hiệu quả sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực ở khu kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là cảng nước sâu Cà Ná, Tổ hợp điện khí Cà Ná, dự án thủy điện tích năng Bác Ái. Qua đó phấn đấu hoàn thành thực hiện Đề án xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đồng thời tiếp tục xúc tiến nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Mục tiêu đặt ra về phát triển kinh tế của tỉnh là tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với đẩy mạnh đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế mà trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các khâu đột phá, trụ cột. Để có hướng đi vững chắc, bài bản, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả; đồng thời tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả giải pháp đã đề ra. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh luôn tạo cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và luôn xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp; đồng thời phát huy tiềm lực khoa học- công nghệ, tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tập trung phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.

Có thể thấy, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2020 sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tỉnh, sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tin rằng bức tranh kinh tế của tỉnh sẽ thêm những gam màu tươi sáng, phát triển một cách hài hòa, toàn diện và bền vững.