Nghệ nhân ưu tú làng Chăm Hữu Đức

Chúng tôi gặp Nghệ nhân ưu tú Hán Nghiên tại lễ rước y trang nữ thần Po Ina Nagar và mừng đón Lễ hội Katê 2019. Với vai trò nhạc trưởng, ông chỉ huy các nhạc công hòa tấu nhạc cụ truyền thống, phục vụ chương trình ca múa nhạc tại sân lễ làng Chăm Hữu Đức.

Tháng 3-2019, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú hoạt động tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành cho những người đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Chúng tôi say nhìn phong cách “diễn như không diễn” của Nghệ nhân ưu tú Hán Nghiên, bàn tay gõ trống điêu luyện của ông giữ nhịp cùng các nhạc công hòa tấu ghi năng, baranưng, saranai. Nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm tạo âm thanh rộn ràng trên sân lễ rộng lớn với hơn 300 diễn viên múa và hàng ngàn khán giả theo dõi chương trình văn nghệ mừng đón Lễ hội Katê năm 2019 tại làng Chăm Hữu Đức. Đội nhạc công sân lễ có 14 người, gồm 8 người đánh trống ghi năng, 2 người đánh trống baranưng, 2 người đánh chiêng, 2 người thổi kèn saranai. Ông Hán Nghiên chỉ huy các nhạc công biểu diễn với âm thanh độc đáo làm rung động lòng người. Trong đó có 4 nhạc công đang được ông Hán Nghiên truyền dạy kỹ năng biểu diễn trống ghi năng là Hán Văn Nghiêm, Lượng Hữu Mãi, Vạn Kênh, Hán Văn Nhứt. Anh Lượng Hữu Mãi cho biết: “Hơn hai năm chí thú học trống ghi năng đến mùa Katê năm nay, anh em tôi vinh dự được ra sân lễ biểu diễn hòa tấu nhạc cụ phục vụ quan khách và bà con. Thầy Hán Nghiên tận tâm truyền dạy kỹ thuật biểu diễn và truyền lửa lòng yêu nhạc cụ cho thế hệ trẻ chúng tôi gìn giữ và tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm”.

Bị chinh phục bởi kỹ năng biểu diễn ghi năng tài hoa của Nghệ nhân ưu tú Hán Nghiên, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông ở giữa làng Chăm Hữu Đức. Với phong cách tiếp chuyện gần gũi thân tình, ông cho biết từ lúc mới hơn 10 tuổi được cha ruột là nghệ nhân Hán Xuân truyền dạy biểu diễn trống ghi năng. Với lòng đam mê nhạc cụ dân tộc, nhịp căn bản của trống ghi năng “tịt, tớ, tìn” theo ông đi vào giấc ngủ. Sau khi cha ruột qua đời, ông tiếp tục theo học trống ghi năng với nghệ nhân Hán Bồng. Đến năm 35 tuổi, ông nằm lòng 75 bài trống ghi năng ca ngợi công ơn các vị thần linh đối với dân làng và 5 bản hòa tấu chương trình văn nghệ hát múa trong những ngày hội lớn của làng xóm. Nghệ nhân Hán Nghiên nhớ như in kỷ niệm tháng 5- 1985, ông tham dự Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc hát từ Làng Sen kỷ niệm 95 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Người con dân tộc Chăm từ làng Hữu Đức lần đầu ra thăm quê Bác biểu diễn trống ghi năng được Ban Tổ chức trao tặng Huy chương Vàng. Bước qua tuổi 65, giọng ca không còn trong trẻo như thời trai trẻ, ông khe khẽ hát cho chúng tôi nghe ca khúc Làng Chăm ơn Bác của Nhạc sĩ Amư Nhân viết trong dịp ra Nghệ An tham gia tiếng hát Làng Sen…“Tôi và các học trò được Ban Tổ chức Lễ hội Katê làng Hữu Đức mời hòa tấu nhạc cụ phục vụ quan khách và nhân dân địa phương. Chương trình ca múa nhạc tại sân lễ thành công tốt đẹp được lãnh đạo địa phương và bà con đánh giá cao. Với vai trò Nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng, tôi tận tâm truyền dạy biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm cho thanh niên địa phương”, Nghệ nhân ưu tú Hán Nghiên chia sẻ niềm vui.