Thanh lịch là gì?

Dịp cuối tuần, tôi vào nhà đứa em chơi. Sáng hôm sau, hai chị em đi ăn sáng ở một tiệm bánh cuốn được kể rằng là ngon nức tiếng ở Sài Gòn. Quán này tuy nằm trong hẻm nhưng khá rộng rãi, cảnh quan rất đẹp đồng thời có nhiều tầng lớp sang trọng thường lui tới đây thưởng thức.

Chúng tôi gọi 2 dĩa bánh cuốn nhân thịt bình thường, nghĩa là có rau, giá, chả lụa, hành phi thơm lừng và một chén nước chấm kèm theo đồ chua nữa. Nhưng đặc biệt, ở đây lại có thêm món thịt heo ướp nướng, trông thật hấp dẫn.

Khoảng 5 phút sau, có 2 phụ nữ tuổi chừng U50 khá đẹp, tiến đến ngồi sát bàn chúng tôi. Nhìn cách ăn mặc và giọng nói biết ngay là dân Hà Nội chính gốc. Thấy 2 chị em chúng tôi trước khi ăn rưới hết chén nước chấm vào dĩa bánh cuốn theo thói quen, lập tức họ nhìn chúng tôi với ánh mắt vừa xem thường, vừa chê chúng tôi là dân nhà quê… Tôi nghe tiếng họ cười rúc rích và câu nói lí nhí: “ Sao sánh được sự thanh lịch với người Tràng An chúng ta”.

Quay sang nhìn, tôi thấy họ chầm chậm gắp từng miếng bánh nhỏ, nhúng từ từ vào chén nước chấm rồi khẽ đưa vào miệng, trông thật kiểu cách và sang trọng làm sao. Chả bù chúng tôi, cứ trộn tất tần tật vào với nhau rồi mới ăn.

Một lúc sau, bất chợt ngoài trời đổ cơn mưa rào thật lớn… bỗng nhiên chị ngồi bên cạnh liền bỏ đũa đứng phắt dậy, một tay chống nạnh, tay kia chỉ ra ngoài rồi hét to: - Mẹ bố mày! Mày tính dắt xe của bà đi đâu? Ngữ điệu vô cùng chát chúa. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía cô ấy.

Chú bé khoảng chừng 15-16 tuổi vội dừng xe lại, hoảng hồn, lắp bắp thanh minh: Dạ, trời mưa sợ ướt nên con… con dắt xe cô vào phía trong mà. Con là người giữ xe ở đây, cô không tin, cô hỏi chủ quán thử coi?

Vậy à? Thế mà bà cứ tưởng… Thẹn thùng, cô nàng liền ngồi xuống.

Từ đó cho đến lúc ăn xong, nàng ấy không dám nhìn bất kỳ ai xung quanh cả, cảm thấy mắc cỡ vì trót lỡ lời. Chứng kiến sự việc ấy tôi tự nhủ thầm: Nét thanh lịch đâu chỉ từ cốt cách, hình thức mà phải từ trong lời nói, các mối quan hệ giao tiếp giữa con người với con người nữa.