Ngành Công Thương: Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Công Thương luôn bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá theo kế hoạch đề ra; triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ. Nhờ đó, kết thúc 6 tháng, các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương quản lý đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng chung của ngành trong 6 tháng đầu năm là lĩnh vực công nghiệp (CN), với tổng giá trị sản xuất ước đạt 3.454 tỷ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ. Đối với sản phẩm điện sản xuất, từ đầu năm đến nay ước đạt 945,7 triệu kWh, tăng 32,09% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất thủy điện đạt 634,3 triệu kWh, gồm: Nhà máy thủy điện Đa Nhim đạt 580 triệu kWh; Nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha đạt 25 triệu kWh; Nhà máy thủy điện Thượng Sông Ông đạt 12,5 triệu kWh; Nhà máy thủy điện Sông Ông đạt 16,8 triệu kWh. Năng lực mới (sản xuất điện gió, điện mặt trời), tính đến cuối tháng 6-2019 có 3 dự án điện gió là Đầm Nại, Mũi Dinh, Trung Nam và 14 dự án điện mặt trời hoàn thành đi vào hoạt động với tổng sản lượng 311 triệu kWh. Tuy nhiên, tính đến ngày 31-5-2019, có 6 Nhà máy điện mặt trời là BP Solar, BIM 1, BIM 2, BIM 3, Phước Hữu - Điện lực 1, Gelex và 1 Nhà máy điện gió Đầm Nại được xác nhận giá trị sản lượng (COD) với tổng sản lượng đạt 111,055 triệu kWh. Kết quả trên đã góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành điện đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Hoạt động thương mại trong 6 tháng năm 2019 cũng đã có sự tăng trưởng khá, do nhu cầu vui chơi, tham quan, giải trí, mua sắm và dịch vụ tiêu dùng của người dân và khách du lịch trong các dịp lễ, Tết, nhất là Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019 tăng. Bên cạnh đó, trong 6 tháng các doanh nghiệp (DN) tổ chức nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng; tình hình giá cả ổn định đã góp phần kích cầu làm cho doanh số bán ra của các thành phần kinh tế đều có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, giá xăng dầu 2 lần điều chỉnh giảm, 4 lần điều chỉnh tăng, đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 11.134,3 tỷ đồng, tăng 14,15% so với cùng kỳ. Trong đó, thương nghiệp đạt 8.495,6 tỷ đồng, tăng 13,92%; khách sạn - nhà hàng và du lịch lữ hành đạt 1.677,9 tỷ đồng tăng 14,22%; dịch vụ đạt 960,8 tỷ đồng tăng 15,09% so cùng kỳ.

Đối với xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch ước đạt 33,66 triệu USD, chủ yếu vẫn là 2 mặt hàng chủ lực: Hạt điều nhân ước đạt 20,90 triệu USD, tăng 24,74%; thủy sản ước đạt 8,02 triệu USD; hàng dệt may ước đạt 4,33 triệu USD, tăng hơn 147%.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh như: Xây dựng Trung tâm điện lực Cà Ná và Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, ngày 17-5-2019 Bộ Công Thương đã có Công văn số 3459/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung Trung tâm điện lực Cà Ná vào quy hoạch điện lực quốc gia. Về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, ngoài tổ chức Hội thảo khoa học, ngành đã liên hệ với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam xây dựng đề cương và dự toán chi phí xây dựng đề án; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyển chọn đơn vị đủ năng lực thực hiện đề án.

Thực hiện nhiệm vụ đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải tỏa công suất 2.000 MW điện mặt trời trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư ngoài EVN (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam) đăng ký thực hiện đầu tư hạ tầng truyền tải Trạm biến áp 500k và đường dây đấu nối kết hợp với đầu tư dự án điện mặt trời đảm bảo tiêu chí theo quy định. Song song đó, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị 2 đơn vị trực thuộc EVN là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cung cấp thông tin về tình hình đầu tư, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng truyền tải 500-220-110kV trên địa bàn, để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các hoạt động: Khuyến công, xúc tiến thương mại và một số lĩnh vực do ngành quản lý như kỹ thuật - an toàn - môi trường…, được quan tâm đẩy mạnh.

Ngành Công Thương xác định, trong 6 tháng cuối năm phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN đạt 3.646 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị cả năm 2019 ước đạt 7.100 tỷ đồng, tăng 13,09% so cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 11.865 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 66,34 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 ước đạt 100 triệu USD, đạt 100% so kế hoạch và tăng 17,6% so cùng kỳ.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận gia công hàng xuất khẩu. Ảnh: V.T

Để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra, theo đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, đơn vị sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà UBND tỉnh giao. Theo đó, đối với lĩnh vực CN tổ chức khảo sát nắm bắt, theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển các dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện đúng tiến độ quy định, với tổng công suất đạt 800 MW. Theo dõi và đề xuất triển khai chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV đến năm 2020 để giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo. Tham mưu đề xuất lựa chọn nhà đầu tư Dự án điện khí Cà Ná; phối hợp EVN triển khai các bước thực hiện đầu tư dự án Thủy điện tích năng Bác Ái đồng bộ với tiến độ dự án Thủy lợi Tân Mỹ. Về lĩnh vực thương mại, tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường, triển khai thực hiện đề án nhân rộng chợ an toàn thực phẩm; dự án đầu tư cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tổ chức kết nối thông tin cung cầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của tỉnh trên thị trường các khu vực trong nước..., nhằm tăng sức mua trong dân để tiêu thụ hàng hóa cho DN.