Điện gió, điện mặt trời tạo sức bật cho vùng nông thôn

Với việc một số dự án điện gió, điện mặt trời khánh thành đi vào vận hành thương mại trong thời gian gần đây đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp song hành với công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lợi Hải, Bắc Phong (Thuận Bắc) là xã thuần nông, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng, từ khi Trung Nam Group tổ chức khánh thành và chính thức đưa vào vận hành Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn I (ngày 27- 4), đã tạo cơ hội cho người dân quanh vùng phát triển các ngành, nghề, dịch vụ, ổn định cuộc sống. Ngày nay, đi trên quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Ba Tháp (xã Bắc Phong), dễ dàng gặp các hàng quán, điểm bán thịt dê, cừu sạch, mà chủ nhân là những nông dân “thứ thiệt”. Có hàng trăm lao động từ mọi miền đất nước đến địa phương làm việc trong các dự án điện gió, điện mặt trời, kéo theo nhu cầu tiêu dùng không ngừng tăng, các hộ làm dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm theo đó tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Nhà máy điện mặt trời BIM 2 đi vào hoạt động góp phần thay đổi vùng nông thôn huyện Thuận Nam. Ảnh: Hữu Phương

Cuộc “cách mạng” năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ đã tạo “đột phá” trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo những người làm chuyên môn, các dự án điện mặt trời, điện gió, ngoài sử dụng lao động kỹ thuật đã qua đào tạo thì cần nhiều lao động phổ thông; trong đó, các nhà đầu tư ưu tiên tạo việc làm cho thanh niên ở địa phương. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 31 dự án điện mặt trời, 14 dự án điện gió hoàn thành, khi đó nhu cầu nhân lực quản lý và vận hành các dự án có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, UBND tỉnh đã đề xuất với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội liên kết với Tập đoàn Giáo dục Sectrum (Maliysia), các trường cao đẳng, đại học, đào tạo công nhân kỹ thuật ngành năng lượng tái tạo mở ra cơ hội mới cho con, em của các gia đình vùng nông thôn đăng ký theo học.

Điện gió Đầm Nại (Thuận Bắc) đã đi vào hoạt động thương mại. Ảnh: Văn Miên

Có thể kỳ vọng vào điện gió, điện mặt trời sẽ tạo sức bật cho vùng nông thôn, bởi các nhà đầu tư ở lĩnh này luôn cam kết có trách nhiệm với cộng đồng, tham gia hỗ trợ thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở những vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đi vào hoạt động cuối tháng 1 vừa qua, Nhà máy Điện mặt trời BP Solar 1 có mức đầu tư 1.315 tỷ đồng, tổng công suất 46 MWp, đã tạo được dấu ấn với chính quyền địa phương và nhân dân bằng việc đầu tư hệ thống điện đường giao thông nông thôn ở xã Phước Hữu (Ninh Phước). Đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, của cộng đồng, không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích của doanh nghiệp, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong đầu tư vào lĩnh vực lợi thế. Thực tế thời gian qua, có không ít doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu của mình từ những cam kết về trách nhiệm với sự phát triển chung của tỉnh. Trước khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, BIM Group đã có hơn 10 năm kinh doanh, sản xuất muối, doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ nông dân xã Phước Minh (Thuận Nam) xây dựng nhà ở, tạo việc làm ổn định. Trong ngày khánh thành (27- 4) 3 cụm nhà máy điện mặt trời: Bim 1, Bim 2, Bim 3, ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị BIM Group, Tổng Giám đốc BIM Energy, cho biết: Với đặc thù khí hậu của tỉnh Ninh Thuận có nhiều nắng, nhiều gió, đã thúc đẩy BIM Group đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo theo hướng bền vững, cùng với đó là gắn kết trách nhiệm cộng đồng sở tại cao hơn.

Khát vọng của các nhà đầu tư hàng đầu không những góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước mà còn mở ra cơ hội tạo việc làm và môi trường sống bền vững cho các thế hệ thanh niên vùng nông thôn ở tỉnh ta.