3 thách thức lớn của vấn đề dân số hiện nay

Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, khu vực; mất cân bằng giới tính khi sinh và già hóa dân số là 3 thách thức lớn trong công tác dân số ở nước ta hiện nay.

Các thách thức vẫn còn nổi cộm

Trong buổi tọa đàm “Dân số và phát triển: Cơ hội và thách thức mới” do Tổng Cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Bùi Ngọc Chương, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ba thách thức về công tác dân số gồm: Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, khu vực; mất cân bằng giới tính khi sinh và già hóa dân số, không phải bây giờ mới được nhận diện, tuy nhiên chúng ta chưa có giải pháp khắc phục. Đây vẫn là những vấn đề nổi cộm cần giải quyết.

Toàn cảnh buổi tọa "Dân số và phát triển: Cơ hội và thách thức mới” do Tổng Cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình
phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Ông Bùi Ngọc Chương dẫn chứng, tại các đô thị lớn, đặc biệt là TPHCM và vùng Đông Nam Bộ mức sinh rất thấp. “Chúng ta đang muốn kéo mức sinh này lên nhưng rất khó thực hiện. Trong khi những vùng điều kiện kinh tế thấp, điều kiện sống khó khăn thì mức sinh vẫn cao”.

Vấn đề mất cân bằng giới tính có nguồn gốc từ vấn đề phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ. Tình trạng này đã có những cải thiện nhất định do có những chính sách về bình đẳng giới và nhiều giải pháp ứng phó, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Qua theo dõi, các địa phương Hải Dương, Hưng Yên dù rất phát triển, văn minh, đời sống rất cao nhưng tỉ lệ sinh và mất cân bằng giới tính ở đây cũng khá cao”, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.

Vấn đề thứ ba về già hóa dân số, đây là thách thức rõ nhất, cần phải điều chỉnh cũng như cần phải tính đến việc 10 năm tới đây dự báo sẽ có khoảng 21 triệu người cao tuổi thì chúng ta sẽ làm như thế nào để tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục phát huy năng lực, đóng góp trí tuệ cũng như tạo điều kiện để người cao tuổi có chất lượng sống ổn định.

Phân tích thêm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, tốc độ tăng dân số ở nước ta có những vùng tăng rất cao, và có những dân tộc có nguy cơ suy giảm dân số. Chẳng hạn, dân số của dân tộc Đan Lai ở Kon Tum hiện nay chỉ có mấy nghìn nhân khẩu, có dân tộc chỉ có mấy trăm người… Việc suy giảm dân số như vậy rất nguy hiểm. Trong khi đó, có những vùng phát triển, dân số tăng rất nhanh.

Những thách thức trong công tác dân số vẫn còn nổi cộm. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Để giải quyết vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần giải quyết 2 vấn đề, đó là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hai vấn đề này đều gây tác động đến chất lượng dân số, cơ cấu dân số và sự phát triển dân số.

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đòi hỏi phải giải bài toán này sớm, mới đáp ứng trong tương lai, vì hiện nay, tỷ lệ giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, khoảng 112 bé trai sinh ra/ 100 bé gái.

Đối với vấn đề già hóa dân số, cách đây 5 năm, những người từ 15 tuổi trở lên bước vào tuổi lao động từ có 1-1,2 triệu, nhưng đến năm 2019 chỉ còn khoảng 400.000 người ở độ tuổi này bước vào độ tuổi lao động.

Mới đây, Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, 4 tháng đầu năm 2019, chúng ta giải quyết 440.000 chỗ làm việc mới, nhưng chỉ có 331.000 lao động bước vào độ tuổi lao động. Rõ ràng quy mô cung lao động đáp ứng cho cầu sử dụng bắt đầu mất cân đối. Vì vậy, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vấn đề thích ứng với già hóa dân số của nước ta rất đáng lưu ý.

Đến năm 2035, dân số của nước ta khoảng cứ 4 người thì có 1 người già, và tỷ lệ phụ thuộc sẽ tăng khoảng 44%.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, đến năm 2047, dân số của Việt Nam sẽ bằng dân số của Nhật Bản hiện nay. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực của Nhật Bản cũng rất đáng lưu ý, hiện họ phải nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 74 tuổi. Nếu nước ta không đi trước đón đầu, và không khắc phục những tồn tại trên thì dân số của nước ta đến những năm 2030 sẽ có vấn đề, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Vướng nhất ở vấn đề thay đổi nhận thức

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, thách thức lớn nhất hiện nay về công tác dân số chính là về nhận thức, về sự hiểu biết một cách tường tận, triệt để, căn cơ về Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

GS.TS Nguyễn Đình Cử lý giải, 60 năm nay, cứ nhắc đến dân số là chúng ta tư duy đến giảm sinh, là kế hoạch hoá gia đình. 60 năm đã thành dấu ấn trong tư duy người Việt Nam rằng, vấn đề dân số chỉ là vấn đề sinh đẻ. Tư duy này hiện nay vẫn còn nặng nề, vẫn áp vào bộ máy y tế từ Trung ương đến cơ sở.

“Năm 2018, tôi tham dự rất nhiều hội thảo về dân số nhưng tôi thấy nhiều người chưa thật sự hiểu một cách thấu đáo về Nghị quyết 21-NQ/TW về bước chuyển trọng tâm chính sách dân số và phát triển. Như vậy, vướng nhất hiện nay là vấn đề nhận thức thay đổi tư duy. Thay đổi điều này rất khó khăn, không thể trong một sớm một chiều, và nếu tư duy chưa thay đổi thì các hành vi, các biểu hiện về bộ máy tổ chức, đầu tư sẽ còn vướng. Từ vướng tư duy dẫn đến vướng nguồn lực”, GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, sau nghị quyết 21-NQ/TW, Chính phủ đã có Chiến lược đó là Nghị quyết 137/NQ-CP, và 47 Đề án rất cụ thể. Tuy nhiên đến nay, sự chuyển động tương đối chậm.

“Với quyết tâm của Chính phủ, nếu chúng ta thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp tổng quát đã được đề ra tại Nghị quyết 21-NQ/TW thì quá trình phát triển dân số theo tư duy mới sẽ thành công. Đặc biệt, chúng ta phải sớm nghiên cứu để ban hành Luật Dân số để đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi chờ đợi và sẽ tham gia cùng Chính phủ để trình được dự thảo luật này lên Quốc hội. Có như vậy, chúng ta mới bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước về dân số” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Theo www.chinhphu.vn