Phát triển chăn nuôi heo đen hướng tới sản phẩm đặc thù

Ngày 10-9-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1493/QĐ-UBND công nhận bộ tiêu chí đánh giá và danh mục 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh giai đoạn 2018-2020 và 3 nhóm sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù là heo đen Thuận Bắc và Bác Ái, Trái cây Ninh Sơn và bò vàng Ninh Thuận. Trong số các sản phẩm tiềm năng, thì heo đen đã dần khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Chọn heo đen để ưu tiên tập trung phát triển nâng tầm sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng bởi đáp ứng được các tiêu chí về lịch sử hình thành ngành nghề, quy mô sản xuất đủ lớn và chất lượng sản phẩm vượt trội. Nghề nuôi heo đen ở huyện Thuận Bắc và Bác Ái có lịch sử lâu đời, gắn liền với đời sống sản xuất của đồng bào vùng cao. Loài heo này, được bà con thả tự do trong vườn, rẫy, thức ăn là ngũ cốc thô chưa qua chế biến như bắp, mỳ, bo bo, nên thịt chắc, thơm và ngon hơn rất nhiều so với thịt heo nuôi công nghiệp. Các địa phương trên cũng là nơi nuôi heo đen nhiều nhất, chiếm trên 70% tổng đàn nuôi của cả tỉnh, đảm bảo được tiêu chí sản xuất hàng hóa, cung ứng thường xuyên cho thị trường.

Sản phẩm heo đen ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.

Tuy vậy, để heo đen được lựa chọn là sản phẩm đặc thù của tỉnh, thì phải nuôi theo hướng tập trung, có sự liên kết theo chuỗi giá trị. Nhìn nhận vai trò của hợp tác xã (HTX) trong liên kết xã viên tổ chức chăn nuôi bền vững, năm 2016 huyện Bác Ái thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Phước Đại; huyện Thuận Bắc thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá hoạt động chuyên sâu lĩnh vực sản xuất, kinh doanh heo đen. Đối với HTX Phước Đại, đã đầu tư xây dựng 2 trang trại chăn nuôi, quy mô 200 con, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 1 tấn thịt và cung cấp hàng trăm con giống cho thành viên và bà con trên địa bàn nuôi. Sản phẩm được cấp Nhãn hiệu tập thể, tạo được độ tin cậy của người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Riêng HTX Suối Đá (xã Lợi Hải), đang ngày càng lớn mạnh nhờ chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nên được các tổ chức tín dụng tin tưởng cho vay vốn phát triển chăn nuôi. Ban đầu thành lập (2016), HTX có 17 thành viên, hiện nay tăng lên 20 thành viên, dự kiến còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Anh Đỗ Huỳnh Hoàng, Giám đốc HTX, cho biết: Các thành viên nuôi heo đen được HTX bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, nên không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn, tiêu biểu như anh Nguyễn Anh Linh thường xuyên duy trì đàn heo 100 con.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, HTX Suối Đá có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm thịt qua sơ chế được đóng gói hút chân không, dán tem trước khi đưa đi tiêu thụ. Hiện nay, HTX mở đại lý bán sản phẩm ở thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải và đại lý ở số nhà 44, đường Cao Thắng, phường Đạo Long (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Anh Đỗ Huỳnh Hoàng, cho biết thêm: Để phát triển chăn nuôi heo đen hướng nghề nghiệp, bên cạnh hỗ trợ bà con kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ở các thị trường ngoài tỉnh.

Có thể nói, với sự nỗ lực của các HTX trong quyết tâm phát triển sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù đã tạo đột phá thúc đẩy nghề chăn nuôi heo đen phát triển lên tầm cao mới. Nhằm đạt được mục tiêu xâm nhập sâu rộng vào các thị trường ở những thành phố lớn, các HTX sản xuất, kinh doanh heo đen đang có kế hoạch áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử thông minh. Với công nghệ này, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thọại di động để kiểm tra thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, từ công đoạn sản xuất, chế biến, vận chuyển đi tiêu thụ đến xác thực tính sở hữu của sản phẩm.