Phát triển sản phẩm đặc thù Táo Ninh Thuận

Táo là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, tuy mới đưa vào trồng năm 2005, nhưng nhanh chóng khẳng định được vị thế của loài cây có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu khô nóng ở tỉnh ta.

Táo Ninh Thuận đã được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, có thương hiệu mạnh trên toàn quốc nhờ quả to, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, giòn. Để được lựa chọn sản phẩm đặc thù, quả táo đạt các tiêu chí về chất lượng, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, diện tích cây táo trên toàn tỉnh đạt khoảng 1.000 ha, sản lượng hơn 30.000 tấn/vụ. Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, các huyện có nghề trồng táo phát triển như Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng kỹ thuật IPM, bẫy bả sinh học và phương pháp tưới tiết kiệm nước, sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng giống có năng suất và chất lượng cao, tạo ra khối lượng sản phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng. Hộ trồng thay đổi cánh nghĩ, cách làm, tham gia vào Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận, hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hướng đến phát triển nghề trồng táo bền vững, những năm qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ngừng nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất. Việc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên mở các lớp tập huấn về sản xuất táo an toàn, hỗ trợ nhân rộng mô hình dùng lưới trùm vườn táo ngăn ngừa dịch hại đã tạo đột phá mới về tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Mô hình táo phủ lưới được áp dụng ở Ninh Phước, giúp phòng
sâu bệnh và nâng cao chất lượng trái cây. Ảnh: Sơn Ngọc

Nông dân trồng táo ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), cho biết: Mô hình dùng lưới trùm vườn tạo chi phí đầu tư không cao (từ 12 đến 24 triệu đồng/sào), kỹ thuật đơn giản. Khi vườn táo ở giai đoạn ra hoa, hộ trồng sử dụng loại lưới mắt nhỏ bao trùm toàn bộ vườn táo. Với hình thức này, việc thụ phấn và kết trái đạt tỷ lệ cao do tránh được các loại côn trùng phá hoại, nhất là ruồi vàng khi táo đậu trái. Mô hình đưa lại lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với canh tác theo phương thức trồng truyền thống. Nghề trồng táo đang không ngừng phát triển, sản xuất theo chuỗi giá trị. Nếu như trước đây, sản phẩm táo được bán chủ yếu dưới dạng quả tươi, thì hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến và bảo quản hiện đại. Tiêu biểu như Công ty TNHH SX TM&DV nông sản Thái Thuận, Doanh nghiệp Tư nhân SX - TM & DV Ba Mọi mỗi năm sản xuất hàng chục tấn táo sấy khô, mứt táo cung cấp cho thị trường trên cả nước. Thực hiện phương châm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng là hàng đầu, các cơ sở chế biến táo chấp hành quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng, tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ để hướng tới việc tham gia vào sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể.

Nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm Táo Ninh Thuận được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với các hình thức bán tại chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị. Những cơ sở danh tiếng có xu thế hướng tới các thị trường lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đối với những cơ sở vừa và nhỏ đều có điểm phân phối nằm dọc quốc lộ 1A, thuận tiện cho việc mua bán. Từ việc chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng táo có đầu ra ổn định, giúp các nông hộ nâng cao cuộc sống.

Với quyết tâm nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù Táo Ninh Thuận, hình thành chuỗi giá trị gia tăng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng quy hoạch vùng trồng táo theo hướng bền vững, mở rộng quy mô sản xuất gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây táo đạt 1.200 ha, sản lượng đạt 54.000 tấn/năm.