Thanh long ruột đỏ “bén duyên” trên vùng đất Phước Trung

Về xã Phước Trung (Bác Ái) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở vùng đất đầy nắng, gió, được coi là “tâm hạn” này cây thanh long ruột đỏ lại phát triển mạnh và tươi tốt đến vậy. Dọc hai bên tuyến đường bê tông đi từ trung tâm xã đến thôn Rã Trên là những hàng thanh long chạy dài đang đua nhau đâm những chồi non mập mạp, hoa nở trắng muốt, quả chín nhuộm đỏ cả vùng đất đồi.

Chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu, nhiều năm qua Phước Trung luôn nằm trong vùng tâm hạn của tỉnh. Nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn chủ yếu dựa vào hồ Phước Nhơn và Phước Trung, nhưng hàng năm vào khoảng tháng 4 là cạn đáy. Để đối phó với những khó khăn, thách thức của thời tiết, nông dân Phước Trung đã chủ động chuyển đổi cây trồng để tìm ra loại cây phù hợp.Với đặc tính dễ chăm sóc, chịu được hạn thích hợp với vùng đất đồi, cây thanh long ruột đỏ dần bén rễ rồi “bén duyên” với vùng đất Phước Trung khoảng vài năm trở lại đây.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mở ra hướng đi mới cho nông dân xã Phước Trung (Bác Ái).

Ông Sằn A Lộc là người tiên phong mang cây thanh long ruột đỏ về trồng trên đất lúa, khởi đầu cho sự phát triển của phong trào trồng thanh long tại địa phương cho biết, hành trình “mở đường” đón thanh long ruột đỏ cũng lắm gian nan. Nhìn vườn thanh long ruột đỏ đang tỏa cành xanh mướt, ông chia sẻ: Sau một thời gian loay hoay trồng thử nghiệm nhiều loại cây như: thuốc lá vàng sấy, mảng cầu, rau đậu nhưng nguồn lợi đem lại không đáng kể. Năm 2011, tôi vào Tiền Giang tìm hiểu và đầu tư 125 triệu đồng mua hom giống thanh long ruột đỏ về trồng. May thay đất không phụ lòng người, vườn thanh long ruột đỏ phát triển tốt, cho năng suất cao, lại được giá nên có những mùa gia đình tôi “thắng đậm”. Từ thành công ban đầu, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích lên 6 ha. Để nâng cao chất lượng quả, tôi lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm và chăm sóc cây thanh long theo quy trình sinh học an toàn. Đồng thời sử dụng nguồn phân hữu cơ bón gốc ủ rơm giữ ẩm và thuê nhân công “vuốt tai” tạo dáng cho trái thanh long đảm bảo tiêu chuẩn. Nhờ được chăm sóc theo hướng VietGAP nên trái thanh long phát triển đều đẹp, vỏ mỏng, ruột đỏ thẩm, khá bắt mắt nên được thương lái ưa chuộng thu mua với giá cao. Trung bình mỗi năm vườn thanh long gia đình ông cho thu hoạch 7 vụ, mỗi trụ thanh long cho thu hoạch trung bình 10 kg/vụ. Với 6.000 trụ thanh long của gia đình ông đạt sản lượng 60 tấn/vụ. Với giá bán dao động từ 15.000-50.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên tỷ đồng.

Nhận thấy giá trị kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, nhiều bà con nông dân trong xã đã đến tham quan, tìm hiểu và thử nghiệm trồng, bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan. Đơn cử như gia đình anh Trần Quyền, Sằn A Tần.. Dẫn chúng tôi đi thăm 9 sào thanh long đang đến vụ thu hoạch, anh Trần Quyền, thôn Rã Trên chia sẻ: Qua thời gian trồng và chăm sóc tôi nhận thấy thanh long ruột đỏ là cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất pha cát, đất ruộng 1 vụ, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so trồng lúa. Dù mới trồng nhưng mỗi vụ gia đình tôi lãi khoảng 30 triệu đồng/sào.

Mang lại giá trị kinh tế cao, lại thích ứng với thổ nhưỡng ở địa phương, cây thanh long ruột đỏ được xem như “lời giải” cho bà con nông dân xã Phước Trung trong bài toán tìm cây trồng phù hợp để chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả. Ông Ka-tơr Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung cho biết: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng Vietgap đã mở ra cơ hội mới giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay toàn xã có 5 hộ tham gia trồng thanh long ruột đỏ theo quy trình VietGAP với diện tích trên 8 ha. Thời gian tới, địa phương có phương án đầu tư, hỗ trợ cho bà con tiếp tục nhân rộng diện tích ở các thôn Rã Giữa, Đồng Dày… tạo cơ hội giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.