Một số giải pháp tiết kiệm điện năng

Tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là điện năng được khuyến cáo tới tất cả các thành phần cá nhân, các cơ quan, công sở, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức... từ nhiều năm nay. Tiết kiệm điện được coi là tiết kiệm tài nguyên của quốc gia, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Một số biện pháp tiết kiệm điện trong gia đình

- Thiết kế hệ thống điện trong nhà: công việc đầu tiên cho việc tiết kiệm điện là phải có một bản thiết kế hợp lý cách bố trí hệ thống dây dẫn điện phù hợp, sử dụng các trang thiết bị đúng, không bị rò rỉ điện, hệ thống chiếu sáng hợp lý…

- Cách chọn thiết bị điện

+ Chọn thiết bị đúng công suất: mọi sự thừa thiếu đều gây lãng phí điện. Chẳng hạn mua máy điều hòa nhiệt độ thì cần tính toán phòng cần công suất lạnh bao nhiêu thì mua bấy nhiêu; không nên mua lớn hơn vì khi hoạt động sẽ hao tốn năng lượng điện nhiều hơn. Ngược lại, nếu bạn mua máy nhỏ hơn, yếu hơn yêu cầu, khi đó máy buộc phải hoạt động nhiều hơn, cũng sẽ gây lãng phí.

+ Thay thế các thiết bị gây hao tốn điện: đối với các hệ thống chiếu sáng nên sử dụng các loại đèn huỳnh quang, đèn tiết kiệm điện thay cho các loại đèn sợi đốt. Các loại đèn compact tỏ ra ưu thế trong lĩnh vực tiết kiệm điện. Một bóng đèn compact 15W có độ sáng bằng bóng đèn sợi đốt 60W. Ngoài ra, sử dụng các loại bếp lò như lò vi ba, bếp điện từ thay thế cho các loại bếp điện trở thông thường cũng sẽ tiết kiệm điện hơn…

+ Hạn chế sử dụng các loại sản phẩm quá cũ: các loại đồ điện gia dụng đã qua sử dụng tuy giá có rẻ nhưng thường rất hao tốn điện, muốn sử dụng nó nên kiểm tra lại trước khi mua.

+ Không nhất thiết dùng ổn áp hay biến áp: một vài loại điện gia dụng có gia nhiệt như bếp điện, bàn là… không nhất thiết phải dùng tới ổn áp vì chỉ tốn thêm điện và không an toàn cho cả ổn áp công suất nhỏ.

Không nhất thiết dùng ổn áp hay biến áp cho bàn là. Ảnh: V.Nỷ

+ Sử dụng các đồ gia dụng điện một cách hợp lý

Điều hòa nhiệt độ: khi sử dụng điều hòa ở chế độ làm mát, không để nhiệt độ trong phòng quá thấp. Về mùa hè, mức chênh giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài nên 3-5 độ C; đóng kín cửa, không để các khe hở gây thoát nhiệt, máy phải làm việc lâu hơn để bù vào lượng nhiệt thoát ra. Nên giảm sự phát nhiệt của tường cửa sổ, trần nhà, vì sự phát nhiệt này cũng buộc máy phải sinh ra một công suất lạnh để hạ nhiệt. Có nhiều phương pháp làm giảm sự phát nhiệt này như treo rèm sáng ở cửa sổ, làm trần nhà cách nhiệt và tường sơn mầu sáng; sử dụng hợp lý bộ phận đặt giờ, khống chế tốt thời gian chạy cũng như thời gian dừng của máy để tiết kiệm điện. Thường xuyên rửa sạch lưới lọc không khí, vì mỗi tấm lưới bẩn gây tốn thêm điện 10-20%.

Tivi: không nên tắt, mở ti vi bằng phích cắm ổ điện; không nên tắt mở ti vi liên tục. Bởi mỗi lần mở máy là một lần đèn hình bị dòng điện va đập mạnh làm tăng độ lão hóa của cực âm, làm ảnh hưởng đến năng lực phát xạ điện tử. Do đó mà rút ngắn tuổi thọ sử dụng của ti vi. Độ sáng (brightness) và độ tương phản (contrast) càng cao, mầu (colour) càng đậm thì càng tiêu hao điện nhiều, và tuổi thọ đèn hình giảm mau hơn. Nên chỉnh độ sáng và độ tương phản tuỳ thuộc vào độ sáng trong nhà, hoặc tuỳ theo phim phát trên truyền hình.

Tủ lạnh: nên đặt tủ lạnh nơi thoáng gió, vì trong môi trường nhiệt độ cao, bí gió sẽ làm chậm quá trình tản nhiệt, điện tiêu hao sẽ lớn; không đặt tủ lạnh gần các vật phát điện (bếp gas, bếp lò…) hay ánh nắng mặt trời chiếu vào, để tránh thất thoát năng suất lạnh, hao điện. Phải để nguội thức ăn bên ngoài trước khi cho vào tủ lạnh để đỡ hao điện; khi xếp thực phẩm vào các ngăn tủ lạnh, giữa các đồ vật phải có kẽ hở tạo thuận lợi cho việc đối lưu của không khí trong tủ lạnh; nên để đồ ăn vào khay, hộp nhôm hay inox sẽ hấp thụ nhiệt độ tốt, làm lạnh nhanh, tiết kiệm điện hơn; thực phẩm cần cho vào túi nilon kín rồi hãy cho vào tủ để hơi ẩm khỏi thoát ra tủ, làm tiêu hao điện năng.

Quạt: quạt điện tiêu thụ điện trung bình khoảng 50-100W/h. Không nên để quạt chạy ở tốc độ quá cao vì để quạt chạy càng nhanh, càng tiêu thụ điện nhiều.

Máy giặt: máy giặt thường tốn rất nhiều điện. Thường công suất điện trên 220W, thời gian sử dụng càng dài, điện càng tốn nhiều. Vì thế, cần phải căn cứ vào số lượng quần áo để xác định thời gian sử dụng lượng nước thích hợp…

Trong cơ quan, công sở

- Mở rộng hoặc mở thêm các cửa sổ và lắp kính kể cả trần (nếu có thể) để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.

- Thay tất cả các bóng đèn tròn sợi đốt (nếu có) bằng đèn compact hoặc đèn ống huỳnh quang (gầy) để tiết kiệm điện.

- Thay bóng đèn ống neon thế hệ cũ 40W, 20W bằng bóng đèn ống neon thế hệ mới 36W, 18W và thay chấn lưu sắt từ bằng chấn lưu điện tử để tiết kiệm điện.

- Lắp máng, chao chụp ở các đèn còn thiếu để tăng độ phản chiếu ánh sáng và điều chỉnh lắp đèn ở độ cao thích hợp để có độ phản chiếu ánh sáng cao.

Thực hiện mỗi đèn một công tắc đóng, mở.

- Ngắt điện ổ cắm sau giờ làm việc: Có hai cách ngắt điện vào thiết bị. Cách thứ nhất là nhấn công tắc, cách thứ hai là rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm. Cách thứ nhất không phải là ngắt điện tuyệt đối vì vẫn còn dòng điện rò chạy qua công tắc. Chỉ có cách thứ hai mới là ngắt điện tuyệt đối.

- Bố trí độ chiếu sáng hợp lý ở các phòng làm việc: Nếu bố trí chiếu sáng hợp lý, lượng điện năng tiêu thụ của khu vực hành chính sự nghiệp sẽ giảm đi được từ 5-10%.

Trong khu công nghiệp

Đối với động cơ truyền động: bảo đảm các động cơ không chạy quá tải quá lâu; kiểm tra công suất động cơ sử dụng không vượt quá công suất cần thiết.

Đối với hệ thống sử dụng khí nén: hợp lý hóa hệ thống bằng cách loại bỏ các ống không sử dụng và giảm thiểu hạ áp lực; giảm thiểu tỷ lệ rò rỉ khí. Kiểm tra định kỳ thử áp không tải; nén khí ở tại mức áp suất thấp nhất đủ để đáp ứng nhu cầu cần thiết; thiết kế các hệ thống phân phối khí nén không tạo ra sụt áp quá lớn giữa nguồn phát và nơi sử dụng.

Nhà máy sản xuất làm lạnh: tránh làm tắc luồng khí trong và xung quanh bộ tản nhiệt (ví dụ: bộ phận bay hơi và bình ngưng); giảm thiểu tắc nghẽn tại mạch làm mát phía sơ cấp và thứ cấp; bảo dưỡng lớp cách nhiệt theo tiêu chuẩn phù hợp; giảm tối đa thời gian vận hành; giữ tải làm mát ở mức tối thiểu.

Đối với tòa nhà: kết cấu tòa nhà phải đánh giá các lớp cách nhiệt của mái, tường và sàn nhà; đánh giá hệ thống thông gió của cửa sổ và cửa ra vào; kiểm tra rò rỉ trong các kết cấu tòa nhà; lắp đặt các cửa tự động hoặc đóng nhanh ở những nơi dành cho xe cộ và vận chuyển đồ đạc ra vào. Với điều hòa không khí và thông gió cần lắp đặt các bộ điều khiển tối ưu hóa; giảm thiểu thể tích lưu không, nhưng vẫn phải bảo đảm duy trì đủ lượng không khí sạch cần thiết.

Với chiếu sáng: lắp đặt các bộ điều khiển ánh sáng tự động-điều khiển theo thời gian, theo ánh sáng ban ngày, bộ cảm biến trạng thái sử dụng, công tắc điện tử; thay thế bằng các loại đèn hiệu suất cao khi thích hợp, ví dụ đèn huỳnh quang, đèn phóng điện; duy trì làm sạch đều đặn các phụ kiện của đèn.