Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

(NTO) Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, nơi có mật độ dân số đông, tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

Trong khi đó hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở một số khu vực có dấu hiệu xuống cấp, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân còn nhiều hạn chế, nên nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy nổ trên địa bàn là rất cao. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã chú trọng công tác PCCC, đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy nổ, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, trong 5 năm (từ 2014-2018) trên địa bàn đã xảy ra 48 vụ cháy, làm 1 người chết và 4 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 3,7 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, trên địa bàn xảy ra 11 vụ cháy, làm 1 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 2,5 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Qua xác định nguyên nhân các vụ cháy nổ trên địa bàn, chủ yếu do chập điện, bất cẩn trong đốt nhang thờ cúng, có trường hợp do mâu thuẫn dẫn đến đốt tài sản.

Lực lượng chức năng tổ chức chữa cháy tại cơ sở kinh doanh ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương, đặc biệt là Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCCC, UBND thành phố đã quán triệt cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng trên địa bàn và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc; đồng thời cho 100% đảng viên, cán bộ, nhân viên và nhân dân thuộc phạm vi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình quản lý ký cam kết chấp hành các nội dung quy định tại Luật PCCC và các văn bản chỉ đạo liên quan. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo PCCC và Cứu nạn, cứu hộ các cấp từ thành phố đến các xã, phường, giao lực lượng công an làm thường trực. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp dân, các địa phương đã lồng ghép tuyên truyền về an ninh trật tự, PCCC ở các địa bàn dân cư, phát các tờ rơi cảnh báo nguy cơ cháy nổ và hướng dẫn cách phòng ngừa xử lý sự cố; tổ chức cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, chợ và hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân đã được nâng lên, tự giác tìm hiểu các biện pháp PCCC, chủ động mua sắm các trang, thiết bị PCCC.

Mặc dù Tp. Phan Rang - Tháp Chàm không có lực lượng chữa cháy chuyên trách, nhưng khi xảy ra các vụ cháy nổ, các thành viên trong Ban Chỉ đạo PCCC có mặt tại hiện trường chỉ đạo lực lượng chữa cháy cơ sở phối hợp với Cảnh sát PCCC, kịp thời xử lý dập tắt các đám cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phân công lực lượng ứng trực, đảm bảo các điều kiện phục vụ cho hoạt động PCCC khi xảy ra sự cố về cháy nổ. Hiện nay, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 4 đội dân phòng, với 50 đội viên thuộc các phường: Thanh Sơn, Tấn Tài, Văn Hải và Đông Hải, được bố trí địa điểm phục vụ công tác ứng trực, kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ khi có yêu cầu. Đối với những địa phương không có lực lượng dân phòng, UBND các phường đã huy động lực lượng bảo vệ dân phố, Tổ nhân dân tự quản làm nòng cốt cho công tác PCCC tại cơ sở. Thành phố cũng đã thành lập 15 Ban bảo vệ dân phố, với 427 thành viên, có 1.022 Tổ nhân dân tự quản, các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự. Bên cạnh lực lượng PCCC tại cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học và các loại hình cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao như: nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nhà ở kết hợp kinh doanh đều thành lập các đội chữa cháy cơ sở, được cấp trang, thiết bị PCCC. Hằng năm, đều có kế hoạch chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác PCCC. Định kỳ, UBND thành phố thành lập các đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thuộc loại hình có nguy cơ cháy nổ cao; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại trong công tác PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Qua kiểm tra 1.060 cơ sở, lực lượng chức năng đã phát hiện 50 trường hợp vi phạm, xử phạt 53 trường hợp, với tổng số tiền trên 78 triệu đồng và lập biên bản nhắc nhở các trường hợp còn lại. UBND thành phố cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra về PCCC 154 lượt, đối với trụ sở các cơ quan và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; phát hiện 56 vụ việc còn sơ hở, thiếu sót liên quan đến công tác PCCC, đề nghị các đơn vị khắc phục triệt để.

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục tăng cường sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác PCCC, chú trọng phối hợp giữa các lực lượng chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án tác chiến kịp thời, nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng PCCC tại chỗ; thường xuyên thực tập các tình huống giả định về PCCC, duy trì hoạt động hệ thống chữa cháy ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC; tăng cường đầu tư thiết bị, dụng cụ PCCC chuyên dùng, đảm bảo tối thiểu cho hoạt động và ngày càng được hiện đại hóa. Mặt khác, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện PCCC cho thành phố, nhất là các xã, phường nhằm đảm bảo phục vụ công tác PCCC tại chỗ; thực hiện tốt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình bắt buộc phải thẩm duyệt. Đồng thời xử lý kiên quyết những trường hợp cố tình vi phạm, không khắc phục những tồn tại đã được kiểm tra, kiến nghị khắc phục.