Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

(NTO) Năm 2018, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các Chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã đổi mới cách tiếp cận và tập trung vào đối tượng cụ thể, qua đó giúp ổn định đời sống người nghèo và giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,02%, đạt 135% so với kế hoạch năm. Riêng tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện Bác Ái là 6,06%, đạt 99,26%. Đa số các huyện, thành phố đều có tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu kế hoạch. Để có được kết quả này, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng các cấp, ngành, cũng như sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước theo các dự án, chương trình giảm nghèo bền vững. Bộ mặt của các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi rõ rệt, nhất là về kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội đã không ngừng được nâng lên, tạo cơ hội để người dân tiếp cận các dịch vụ, góp phần tăng thu nhập cơ bản, cải thiện đời sống.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Trạm Y tế xã.

Cụ thể, từ nguồn vốn phân bổ trên 78 tỷ đồng, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong đó, xây dựng và duy tu bổ dưỡng 25 công trình thiết yếu cấp huyện, xã trên các lĩnh vực: giao thông, y tế, thủy lợi, chợ dân sinh, điện, nước sinh hoạt theo Chương trình 30a; thực hiện xây dựng và duy tu bảo dưỡng 40 công trình thiết yếu kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, điện, nước sinh hoạt theo Chương trình 135. Đến nay, 100% đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được rải nhựa, 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87%, các công trình phục vụ dân sinh đều phát huy hiệu quả sau đầu tư, phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề phát triển vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tập trung vào những mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi tại địa phương. Điển hình như các mô hình: Bò sinh sản; dê sinh sản; nuôi heo đen; trồng bưởi da xanh và trồng mít thái…

Ngoài các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, phát triển sinh kế, trong năm 2018, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội khác cũng được tỉnh tích cực triển khai. Toàn tỉnh đã cấp 180.572 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người sống vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 131,8 tỷ đồng. Đề án hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách tỉnh sau khi Trung ương hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác đã tạo điều kiện cho các đối tượng này được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo được triển khai ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được quan tâm thực hiện. Đã có 9.203 lao động được đào tạo nghề, đạt 108,27% so với chỉ tiêu giao tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2017. Số lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm hoặc vận dụng kiến thức vào trong sản xuất kinh doanh, cây trồng vật nuôi làm cho năng suất lao động tăng cao. Số lao động được giải quyết việc làm là 1.064 lao động, đạt 106,4% kế hoạch. Xuất khẩu lao động: 202/120 lao động, đạt 168,31% kế hoạch, tăng 37,41% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, từ chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Cụ thể, tổng vốn cho vay hộ nghèo trong năm đạt 107,3 tỷ đồng/3.639 hộ được vay vốn; vốn cho vay hộ cận nghèo đạt 163,8 tỷ đồng/5.439 hộ được vay vốn; vốn cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 217,1 tỷ đồng/7.351 hộ được vay vốn. Ngoài việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển về kinh tế, các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đảm bảo về an sinh xã hội cũng đã được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện như: cho vay học sinh-sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...

Năm 2019, dự kiến nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh trên 100,7 tỷ đồng. Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm, với nguồn vốn dự kiến, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình mới và nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn huyện nghèo, xã 135 và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Đồng thời, tiếp tục triển khai lồng ghép các nguồn lực địa phương tham gia vào chương trình, chú trọng triển khai mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung vào các mô hình có tính mới và khả năng nhân rộng cao trên địa bàn. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm nắm bắt kết quả tác động hằng năm trong việc tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo ở cơ sở.