Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

Năm 2018, mặc dù gặp khó khăn do diễn biến của thời tiết bất thường, nguồn lực đầu tư hạn chế, song cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy nội lực, chủ động cơ cấu lại ngành, một số đơn vị tiếp tục đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Theo báo cáo, hiện có 547 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 19% tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Ngoài ra, có 53 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 73,6% tổng số HTX trên toàn tỉnh. Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng, đạt kết quả bước đầu. Tính đến cuối năm 2018, có 27 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 361,7 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn, như: Dự án phát triển vùng nguyên liệu nho rượu tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận, diện tích 20 ha, quy mô 480 tấn nho/năm, tổng vốn đầu tư 22 tỷ đồng; Dư án Nhà may Chế biến thức ăn gia súc công nghiệp Ninh Thuận của Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech tại xã Phước Tiến (Bác Ái), diện tích 11,68 ha, công suất 3.000-5.000 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng; Dự án Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao NITATECH của công ty CP đầu tư và phát triển Nông nghiệp cao Ninh Thuận cũng đóng tại xã Phước Tiến, diện tích 60,7ha, tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng…

Nông dân An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Đáng nói là, các doanh nghiệp, HTX không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc thù như nho, măng tây xanh, nha đam; xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm nước, cánh đồng lớn, bước đầu hình thành mối liên kết sản xuất, chuyển nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Đơn cử, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Hậu, mô hình cánh đồng lớn sản xuất bắp giống ở xã Phước Vinh, lợi nhuân bình quân đật 45 triệu đồng/ha; mô hình trồng măng tây xanh áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm ở xã An Hải (Ninh Phước) lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/ha. Việc nhiều mô hình sản xuất nông nhiệp ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng đã góp phần làm cho hoạt động nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định, có bước phát triển khá, quy mô vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX tăng bình quân 30%/năm, tổng doanh thu tăng 10%/năm, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 2.569 lao động với mức thu nhập ổn định gần 5 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho hay: Đạt được thành quả, đó là nhờ UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, HTX theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ và Chỉ thị 26-CT/TTg, ngày 6-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tương tác với doanh nghiệp thông qua tổ chức gặp mặt đối thoại doanh nghiệp theo chuyên đề định kỳ hàng tháng và chuyên mục hỏi - đáp trực tuyến, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX, cũng như lắng nghe các ý kiến hiến kế trong thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động cung cấp thông tin, những quy định mới liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng; đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung vốn hỗ trợ HTX giai đoạn 2016-2020, với tổng số tiền 10 tỷ đồng; trong đó, năm 2019 là 5 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư 15 công trình của 13 HTX. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - công nghệ, lao động chất lượng cao cũng được quan tâm thực hiện. Kết quả trong năm 2018, có 4 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi 18 tỷ đồng với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa, phục vụ Chương trình bán hàng bình ổn giá; hỗ trợ ứng dụng “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm của các HTX, như: Nước mắm Cà Ná, Heo đen và gà vườn Thuận Bắc, Trái cây Ninh Sơn, Măng tây xanh, Nho.

Xác định doanh nghiệp, HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp là thành phần kinh tế quan trọng trong tiến trình phát triển, năm 2019 tỉnh chỉ đao ngành chưc năng, các địa phương tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.