Ngành Nông nghiệp vững tin bước vào năm 2019

(NTO) Năm 2018, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đối diện với khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường. Tiếp sau đợt hạn hán gay gắt kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 là lũ lụt hoành hành khiến cho nông dân tưởng chừng kiệt sức.

Thế nhưng, với việc chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế nông nghiệp đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,6%, mức cao nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Hậu (Ninh Phước). Ảnh: Anh Tùng

Xác định nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế lĩnh vực nông nghiệp ngày càng sâu rộng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương thực hiện; đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ nhân rông những mô hình có hiệu quả. Các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai đồng bộ đã khuyến khích nông dân hăng say lạo động sản xuất, phong trào xây dựng cánh đồng lớn vì thế lan tỏa rộng khắp. Trong năm, toàn tỉnh nhân rộng được 14 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1324,5 ha, làm thay đổi hình thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung, canh tác liền vùng, liền thửa, nên thuận lợi trong áp dụng cơ giới vào các khâu làm đất và thu hoạch, do đó mang lại hiệu quả cao, giảm chí phí sản xuất, tăng giá trị đơn vị diện tích.

Nhìn lại hoạt động sản xuất nông nghiệp năm 2018 để thấy công tác ứng phó với hạn hán được thực hiện chặt chẽ, đi vào chiều sâu, tập trung ngay từ đầu năm, đầu các vụ sản xuất. Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tế từng khu vực; đồng thời, phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tổ chức xuống giống đúng khung lịch thời vụ, điều tiết nước hợp lý, từ đó hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, năng suất đạt cao. Thực hiện Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh ban hành Đề án Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017- 2020, các địa phương đã hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước được 284,83 ha, chuyển đổi cây trồng cạn 1.500 ha. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: Công tác chuyển đổi cây trồng năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực hơn các năm trước, nông dân đưa vào canh tác các loại cây giá trị kinh tế cao như: Táo, nho, măng tây xanh, có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đầu tư chuyển giao khoa học - công nghệ và bao tiêu sản phẩm.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh đạt năng suất cao. Ảnh: Văn Nỷ

Có thể nói, trong gian nan, sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển đi lên theo hướng bền vững, xuất hiện thêm các mô hình mới: trồng táo bao lưới chống ruồi vàng phá hoại, trồng rau trong nhà kính, trồng măng tây xanh hữu cơ, tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, ngành chức năng, các địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn, đề xuất UBND tỉnh công nhận 12 sản phẩm đặc thù của vùng đất nắng gió Ninh Thuận để ưu tiên đầu tư phát triển. Nông nhiệp thực sự đã phát triển lên tầm cao mới, ngày càng có nhiều hộ tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất các mặt hàng thị trường cần chứ không phải nông muốn. Những vườn cây ăn trái, rau, sản xuất theo quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng trong cả nước biết đến.

Bước vào năm mới 2019, ngành NN&PTNT quyết tâm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung cơ cấu lại ngành thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo, nho và cây trồng cạn; xây dựng vùng sản xuất VietGAP, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung, nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nhân rộng mô hình “Dân làm giàu từ kinh tế rừng”. Riêng ngành thủy sản chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh như khai thác xa bờ, nuôi trồng trên biển và sản xuất giống.

Năm 2018 đi qua, ngành NN&PTNT tạo sự chuyển biến rõ nét trong cách thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp là trọng tâm, động lực để phát triển. Với việc tìm được hướng đi thích hợp, tạo sự khác biệt, ngành NN&PTNT vững tin bước vào năm mới, với kỳ vọng đạt được nhiều thành quả cao hơn.