Nguy cơ xung đột quy mô lớn giữa Nga và Ukraine

Quan hệ giữa Nga và Ukraine đã lại trở nên căng thẳng khi lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine trên Biển Đen, với cáo buộc các tàu này cố gắng xâm nhập lãnh hải Nga một cách trái phép. Vụ việc trên đang đe dọa kích hoạt trở lại cuộc chiến âm ỉ 4 năm qua giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề kiểm soát Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Leo thang căng thẳng

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết các tàu tuần tra của nước này đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại khu vực Eo biển Kerch gần Bán đảo Crimea hôm 25-11-2018. Theo FSB lực lượng biên phòng Nga đã buộc phải bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraina (gồm tàu Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu) sau khi các tàu này tiến vào lãnh hải của Nga và không có phản ứng trước yêu cầu dừng lại của các lực lượng thuộc FSB và Hạm đội Biển Đen của Nga. FSB cũng cho biết phía Nga đã phải sử dụng vũ khí, khiến 3 binh sĩ của Ukraine bị thương, song không nguy hiểm đến tính mạng. FSB khẳng định phía Ukraine đã không nộp đơn đề nghị cho tàu của họ được đi qua Eo biển Kerch. Nga cũng đã khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xâm phạm biên giới quốc gia.

Về phía Ukraine, nước này cho biết đã thông báo trước với Nga về lộ trình trên biển của các tàu chiến của mình. Phía Kiev cũng cho biết có tới 6 binh sĩ của nước này bị thương trong vụ đụng độ. Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hành động của Nga là "hiếu chiến".

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã triệu tập một cuộc họp với giới chức quân đội trong nước để đánh giá tình hình và các bước đi tiếp theo. Tại cuộc họp, Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine đã thông qua quyết định ban bố tình trạng chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine trong vòng 60 ngày. Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 26-11 đến 25-1-2019. Tuy nhiên, sau đó ông đã giảm xuống còn 30 ngày vì để tránh trùng với thời điểm bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử.

Ngày 26-11, sau cuộc tranh luận căng thẳng, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko áp đặt thiết quân luật trong thời gian 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28-11, tại các khu vực biên giới của nước này dễ bị tấn công nhất sau khi Nga bắt giữ 3 tàu cùng các thủy thủ của Ukraine. Động thái diễn ra khi 276 nghị sĩ ủng hộ đề xuất của ông Poroshenko, vượt qua yêu cầu tối thiểu là 226 phiếu.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Kiev đã đề nghị Moskva trao trả các thủy thủ của 3 tàu Hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải của nước này. Ngoài ra, Ukraine cũng hối thúc các đồng minh và đối tác của nước này đưa ra các biện pháp cần thiết phù hợp, cũng như cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này trong những khu vực biên giới được quốc tế công nhận.

Phía Ukraine cũng có những động thái tăng cường an ninh tại biên giới và toàn bộ Lực lượng hải quân Ukraine đã được đặt vào tình trạng báo động sau vụ đụng độ với Nga trên biển Azov.

Cùng ngày, Hãng tin RIA dẫn lời một quan chức cảng cho biết, Nga đã mở lại Eo biển Kerch gần Crimea để phục vụ hoạt động hàng hải, sau khi Moskva bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine ở khu vực gần đó.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cơ quan này đã điều các thiết bị không người lái của Hạm đội Biển Đen và Lực lượng Không quân-Vũ trụ để ngăn chặn các vụ khiêu khích mới trên vịnh Kerch trong bối cảnh những căng thẳng mới xảy ra ở khu vực này giữa Nga và Ukraine. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga đã huy động các thiết bị không người lái “Orlan-10”,“Forpost” và các thiết bị này sẽ hoạt động trên biển Đen cũng như trên biển Azov.

Trước diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi hai bên kiềm chế.

Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế có hành động hay ngôn từ gây căng thẳng, đồng thời cần phải kiểm soát để tránh vụ việc tại Eo Kerch leo thang nguy hiểm.

Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Nga và Ukraine xoa dịu căng thẳng đồng thời kêu gọi Moskva khôi phục tự do đi lại tại Eo biển Kerch trên Biển Azov.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã tiến hành một cuộc họp khẩn vào 11h ngày 26-11 (tức 23h cùng ngày - giờ Việt Nam) theo đề nghị của cả Nga và Ukraine để thảo luận về vụ việc. Tuy nhiên, tại cuộc họp, các nước ủy viên HĐBA đã không thông qua chương trình thảo luận do Nga đề xuất liên quan đến vụ việc ở Eo Kerch, với tỷ lệ 7 phiếu chống, 4 phiếu trắng và 3 phiếu ủng hộ.

Nguy cơ xung đột quy mô lớn

Ngược trở lại với thời gian, vào tháng 12-2003, Nga và Ukraine đã ký hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, xác định đây là vùng nội thủy của hai nước, do đó các tàu thương mại, tàu chiến, cùng các loại tàu thuyền khác của Liên bang Nga hoặc Ukraine đều được hưởng quyền tự do hàng hải tại đây. Hiệp định cũng khẳng định mọi tranh cãi liên quan phải được giải quyết bằng đàm phán và thương lượng, cũng như các giải pháp hòa bình khác giữa hai nước.

Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 với việc Crimea được sáp nhập vào Nga, các nghị sĩ Quốc hội Ukraine đã nhiều lần đề xuất hủy bỏ hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch. Ukraine cũng từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Azov, gia tăng số tàu hải quân và lực lượng tuần tra trên biển, triển khai thêm các lực lượng trên không, trên bộ, trên biển và pháo binh tới khu vực nhằm hiện thực hóa kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân tại đây trong năm 2018, kế hoạch vốn được đẩy mạnh sau khi Nga khánh thành một cây cầu bắc qua eo biển Kerch giữa Biển Đen và biển Azov, kết nối miền Nam nước Nga với bán đảo Crimea.

Nhiều ngày trước, báo giới đã lưu ý rằng Ukraine sẽ có những động thái mang tính "gây hấn" trên biển Azov nhằm khởi động một cuộc chiến với Nga. Có ý kiến cho rằng sự việc này như một tính toán của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm gia tăng uy tín trước kỳ bầu cử vào năm 2019, thậm chí có thể là hành động "gây nhiễu" trước cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Nga và Mỹ tại Argentina cuối tháng 11. Dù với mục đích gì thì biển Azov đã trở thành một điểm nóng mới trong quan hệ Nga - Ukraine. Nó không chỉ khiến căng thẳng giữa hai nước càng khó hóa giải mà sẽ càng đẩy mối bất hòa giữa Nga và phương Tây đi xa và trầm trọng hơn, khi Ukraine đã nhiều lần đề xuất NATO và EU "can thiệp" vào vấn đề này, dù trên thực tế cả NATO và EU không có bất cứ mối liên hệ nào đến biển Azov, vùng biển nội bộ giữa Nga và Ukraine.

Các chuyên gia phân tích nhận định, với tình trạng quan hệ vẫn căng thẳng, diễn biến căng thẳng mới đây có nguy cơ đẩy Nga và Ukraine tới một cuộc xung đột quy mô lớn.