Điều chỉnh Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững

(NTO) Tỉnh ta có trữ lượng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khá dồi dào. Để thăm dò, khai thác có hiệu quả, ngày 6-12-2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 70/2012/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Quy hoạch đã tạo cơ sở pháp lý trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, giúp cho tài nguyên khoáng sản được bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định 70, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã bám theo quy hoạch được phê duyệt, tuân thủ đúng các quy định của Luật Khoáng sản. Đối với đá xây dựng, tổng diện tích quy hoạch 927,2 ha, tài nguyên dự báo 449,428 triệu m3. Tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 42 giấy phép đã được thăm dò, phê duyệt với tổng trữ lượng 305,692 triệu m3. Cát xây dựng quy hoạch 950,2 ha, tài nguyên dự báo 11,441 triệu m3, có 43 giấy phép đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng hơn 2,188 triệu m3. Vật liệu san lấp quy hoạch 1.317 ha, có 4 giấy phép với tổng trữ lượng hơn 2,350 triệu m3. Theo báo cáo, thời gian qua các đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các dự án khai thác khoáng sản trực tiếp góp phần cải thiện cuộc sống của người dân thông qua tạo việc làm có thu nhập ổn định; cung cấp vật liệu xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn mới, giao thông, phục vụ đắc lực cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, như: Du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nhệ cao.

Khai thác cát tại khu vực bến Ninh Chữ (Ninh Hải). Ảnh Văn Nỷ

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, công tác tham mưu quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường giai đoạn đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh có những tồn tại, bất cập như: Một số điểm mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác chồng lấn, chưa sát với thực tế phân bố. Khoáng sản được quy hoạch có diện tích và trữ lượng lớn, nhưng tỷ lệ cấp phép thăm dò thấp (đá xây dựng trữ lượng khai thác so với tài nguyên dự báo chỉ đạt 0,86%, cát xây dựng đạt 9,41%, vật liệu san lấp đạt 5,59%). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế đến năm 2020 là khá lớn: Đá hơn 3.209 triệu m3, cát gần 2.070 triệu m3, vật liệu san lập 23.556 triệu m3.

Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động quản lý khoáng sản, ngày 9-10-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 88/2018/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh giai đoạn đến năm 2020, thay thế Quyết định 70. Điểm mới của Quyết định 88 là quy định khai thác khoáng sản phải trên cơ sở quy hoạch có tính đến nhu cầu hiện tại, cũng như lâu dài của tỉnh. Tổ chức khai thác và chế biến khoáng sản theo quy mô công nghiệp với công nghệ chế biến tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xử lý và bổ sung loại bỏ một số điểm mỏ để đảm bảo nhu cầu cho các công trình, dự án triển khai thuận lợi. Đối với đá xây dựng, không quy hoạch thêm điểm mỏ, ngoại trừ nhu cầu bức thiết để tạo nguồn nguyên liệu phát triển vật liệu mới phù hợp với chủ trương, quy định của Trung ương, các bộ, ngành có liên quan. Cát xây dựng nhất thiết phải rà soát, cập nhật nhiều vị trí mỏ, nhưng đảm bảo không chồng lấn, ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở trên sông; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng trong khi nguồn cát tự nhiên đang dần khan hiếm. Riêng vật liêu san lấp giữ nguyên diện tích quy hoạch thông qua viêc loại bỏ những khu vực không có tiềm năng, chồng lấn, thay vào đó những vị trí có trữ lượng lớn, thuận lợi khai thác.

Có thể nói, từ chỗ kịp thời điều chỉnh Quyết định 70 sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế bền vững theo chủ trương của tỉnh. Việc bổ sung các điểm quy hoạch cát xây dựng từ bãi bồi, lòng sông, khe suối vừa đáp ứng được nhu cầu cho ngành xây dựng, vừa khơi thông dòng chảy. Hay như bổ sung 4 điểm quy hoạch vật liệu san lấp gồm 100 ha tại núi Mavieck thuộc địa bàn xã Phước Dinh (Thuận Nam); 8,9 ha tại xã An Hải; 35 ha tại thôn Hoài Trung, xã Phước Thái (Ninh Phước); 35 ha tại khu vực Suối Nganh, xã Phước Trung (Bác Ái) sẽ đáp ứng nhu cầu các dự án trọng điểm, như: Đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng Cà Ná, Khu Công nghiệp Du Long, điện mặt trời, điện gió...