Nhân dịp Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam (ngày 18 và 19-11-2018)

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả

Tiếp theo chuyến thăm chính thức Liên bang Nga rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 9-2018 vừa qua, chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Liên bang Nga D.A.Medvedev có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thêm xung lực mới, mạnh mẽ nhằm tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Tình hữu nghị thủy chung, nồng ấm

Ngày 30-1-1950, Việt Nam (lúc đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô). Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt-Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.

Từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đặc biệt, tháng 7-1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm Liên Xô nhằm củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước.

Liên Xô cũng dành cho Việt Nam những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp. Nhiều công trình do nước bạn giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả, như: trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô... Hàng chục nghìn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12-1991), quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Việc ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày 16-6-1994, nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả

- Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường

Trong những năm qua, quan hệ chính trị Việt-Nga với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược.

Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8-1998 đã tạo bước đột phá mới khi lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Và khuôn khổ quan hệ Việt-Nga trong thế kỷ XXI đã được chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam (28-2 đến 2-3-2001). Gần đây nhất là chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9-2018) có ý nghĩa quan trọng, khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ song phương với Liên bang Nga, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

- Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng mạnh. Theo số liệu của nước bạn, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng kỷ lục đạt mức 5,2 tỷ USD, cao nhất là từ năm 1991. Theo số liệu của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,24 tỷ USD, tăng 24% và nhập khẩu đạt 1,06 tỷ USD, tăng 59,5%. Hiện Nga đứng thứ 26 về thị trường xuất khẩu và thứ 22 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến tháng 6-2018, Nga có 117 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần một tỷ USD. Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD. Việc Tập đoàn TH True Milk đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tại tỉnh Moscow, Kaluga là một điểm sáng trong quan hệ hai nước.

- Hợp tác khoa học, giáo dục, du lịch, tiếp tục được duy trì

Về khoa học, đến nay, hai nước đã thực hiện khoảng 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6-2017) hai bên đã ký Bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt nam.

Ở lĩnh vực du lịch, Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam đón hơn 600 nghìn lượt khách du lịch Nga; trong 10 tháng năm 2018 đạt gần 496.000 lượt. Nga cũng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Việt Nam.

Về giáo dục, hàng năm Chính phủ Nga đều gia tăng số lượng học bổng miễn phí dành cho công dân Việt Nam. Năm 2016 là 855 suất, năm 2017 là 953 suất và đến năm 2020 dự kiến sẽ là 1.000 suất. Tại Việt Nam hiện cũng có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại Nga. 24 trường đại học Nga và Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận hợp tác trực tiếp.

Hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường, đặc biệt giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Peterburg. Cộng đồng người Việt Nam với khoảng 60.000-80.000 người hiện đang sinh sống tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình.

Nhìn lại chặng đường 68 năm đã qua, chúng ta có thể tự hào rằng, quan hệ Việt Nam-Nga, với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tôn trọng, tin cậy sâu sắc và tương trợ lẫn nhau, đã vượt qua nhiều thử thách và đang vươn đến những tầm cao mới.

Theo TTXVN