APEC - Diễn đàn đối thoại khu vực và cơ chế hợp tác hàng đầu thế giới

Ngày 17 và 18-11-2018, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 26) tại Port Moresby, Papua New Guinea. APEC hiện là một trong số những cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại hàng đầu khu vực và thế giới, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới.

Diễn đàn đối thoại khu vực và cơ chế hợp tác hàng đầu

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, châu Á mà trọng tâm là Đông Á nổi lên thành một trong những khu vực năng động trên thế giới khi tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 9-10% mỗi năm. Dù vậy, khu vực này lại thiếu đi hình thức hợp tác hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập với nhiều quốc gia.

Trước nhu cầu trên, diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooporation forum - gọi tắt là APEC) đã được thành lập vào ngày 6-11-1989 tại Canberra (Australia). Cùng với các cơ chế hợp tác khác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương-TPP (nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á..., APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Từ 12 thành viên sáng lập, đến nay APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ và Việt Nam, trong đó hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (gồm Mỹ, Nhật Bản và Canada); 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) (gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Mỹ) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.

Kể từ khi thành lập đến nay, cam kết xuyên suốt và quan trọng nhất của APEC, được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 2 (tại Indonesia, năm 1994), là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc; không có Hiến chương hay Điều lệ. APEC dùng khái niệm “nền kinh tế”; Lãnh đạo cấp cao của các thành viên được gọi chung là các nhà Lãnh đạo kinh tế.

Hoạt động hàng năm của APEC gồm: Hội nghị cấp cao; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế; các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, an ninh lương thực, phụ nữ và kinh tế, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông…; 5 hội nghị Quan chức cao cấp, cùng nhiều hội nghị, hội thảo của các Ủy ban, Nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.

APEC 2018 - Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số

Tuần lễ cấp cao APEC 2018 tại Port Moresby, Papua New Guinea diễn ra từ ngày 12 đến 18-11-2018, bao gồm 8 hoạt động chính là: Hội nghị các Quan chức cao cấp tổng kết (ngày 12 và 13-11); Hội nghị Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ngày 13 đến 15-11); Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 30 (ngày 15-11); Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (ngày 15 đến 17-11); Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ngày 17-11); Đối thoại các nhà Lãnh đạo Quốc đảo Thái Bình Dương (ngày 17-11); Đối thoại không chính thức giữa các nhà Lãnh đạo APEC với Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (sáng ngày 18-11); Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 26 (ngày 18-11).

Với chủ đề “Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số”, APEC 2018 tập trung vào 3 ưu tiên gồm: Tăng cường kết nối và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững; Đẩy mạnh tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu.

Năm APEC 2018 có ý nghĩa rất quan trọng đối với APEC nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Diễn đàn vào năm 2019.

Không những vậy, năm 2018 còn đánh dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC (11-1998/2018). Sau 20 năm tham gia APEC, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao, đặc biệt là sau dấu ấn thành công của Năm APEC 2017 và với những thành tựu tăng trưởng kinh tế và hội nhập của tế nổi bật thời gian qua.

Cũng trong năm 2018, các bộ, ngành của Việt Nam đã tranh thủ nguồn lực các quỹ dự án của APEC để triển khai 14 dự án nâng cao năng lực cạnh tranh dành cho công chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ, người lao động trong các lĩnh vực đàm phán thương mại, kỹ năng số, y tế, năng lượng…, đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên đi đầu đề xuất và triển khai các sáng kiến APEC trong năm 2018, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam.