Bài học kinh nghiệm từ Hội thảo nghiệp vụ các cơ sở cai nghiện ma túy miền Trung và Tây Nguyên năm 2018

(NTO) Trong tháng 6-2018, tại Tp. Phan Thiết, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Thuận đã tổ chức đăng cai Hội thảo nghiệp vụ các cơ sở cai nghiện ma túy miền Trung và Tây Nguyên năm 2018. Qua hội thảo đã có thêm nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác phòng, chống, điều trị, cai nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Tại hội thảo, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết thời gian qua Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy trong cả nước nói chung, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn. Ma túy đã len lỏi và xâm nhập ngày càng sâu vào học đường, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp cũng như các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ tái nghiện cao (70-80%) và số người nghiện ma túy phạm tội ngày càng tăng. Tệ nạn nghiện ma túy đã gây nên những tác hại hết sức to lớn về kinh tế- xã hội, chính trị, văn hóa, đạo đức, sức khỏe, lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc; nghiêm trọng hơn, tiêm chích ma túy là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lây truyền đại dịch HIV/AIDS.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Bính.

Hội thảo cũng đã nghe các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như: Đổi mới trong điều trị nghiện ma túy, những khó khăn thách thức trong điều trị, cai nghiện ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp; đánh giá tình trạng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và biện pháp can thiệp dự phòng nghiện hiệu quả cho các đối tượng nghiện ma túy hiện nay; huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội trong việc giúp người nghiện ma túy điều trị, cai nghiện và hòa nhập cộng đồng…

Đại diện các địa phương chia sẻ một số mô hình điều trị, cai nghiện có hiệu quả, như: Công tác điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp (Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận); Kinh nghiệm về xử lý các triệu chứng ngáo đá, loạn thần trong thời gian đầu vào điều trị (Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa-Vũng Tàu); Kinh nghiệm giám sát phòng ngừa những tình huống mất an ninh, an toàn tại cơ sở do người nghiện ma túy gây ra (Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa); Quá trình điều trị nghiện Ma túy đá tại cơ sở Tư vấn cai nghiện tỉnh Gia Lai (Sở LĐ-TB&XH Gia Lai); Công tác tổ chức cai nghiện, phục hồi cho nhiều nhóm đối tượng sử dụng các loại ma túy khác nhau (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai)…Vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về tác hại của ma túy để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; đồng thời tuyên truyền về những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

Qua hội thảo bài học kinh nghiệm được rút ra: Trước tình trạng người sử dụng ma túy gia tăng, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số người điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các đoàn thể phải có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc góp phần cảnh báo hiểm họa ma túy và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. 

Vì vậy, để công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy có hiệu quả, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy và đa dạng hóa các hình thức cai nghiện. Công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia của các chủ thể quản lý nhà nước, bao gồm từ các cấp ủy Đảng cho đến các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn thể Nhân dân. Tăng cường đầu tư cho công tác cai nghiện, phục hồi chức năng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các trung tâm cho các tỉnh và thành phố, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố trọng điểm. Tập trung cho công tác dạy nghề, lao động để phục hồi và nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống cho người nghiện cũng như sau này giúp họ tái hòa nhập cộng đồng thuận lợi. Giải quyết tốt việc làm cho người nghiện sau cai nghiện, đây không chỉ là giải pháp quan trọng mà còn là mục tiêu của công tác cai nghiện, phục hồi và phòng, chống tái nghiện. Có thể nói đây là giải pháp mang tính quyết định để người nghiện không tái nghiện và ổn định cuộc sống cùng với cộng đồng.