Nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tỉnh

(NTO) Năm 2018, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã được UBND tỉnh giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đó là: “Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn cả về đường bộ và đường sắt; nâng cao ý thức người tham gia giao thông, nhất là vùng nông thôn”.

Ngay từ đầu năm, ngành GTVT của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp với lộ trình thời gian rõ ràng để mỗi cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành thực hiện bằng quyết tâm cao nhất. Đây được xem là sự “đột phá” trong việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh.

Thể hiện quyết tâm hành động trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị chức năng của Sở GTVT đã tiến hành 12 cuộc thanh tra độc lập chuyên ngành với các nội dung: Thanh tra, kiểm tra xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; thanh tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đảm bảo trật tự ATGT đường bộ và đường thủy nội địa. Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu nhưng vẫn cố tình đưa xe vào hoạt động không đúng theo quy định; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giải quyết các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT, trật tự đô thị nhằm đảm bảo ATGT; phối hợp với tất cả các cảng cá, các đầu mối bốc xếp hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh để xử lý việc bốc xếp hàng hóa quá tải lên phương tiện tham gia giao thông; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về niên hạn sử dụng của xe ô tô, xe hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường... Mặt khác, đơn vị còn phối hợp với Công an tỉnh, Công an huyện Ninh Hải, Đồn Biên phòng 404 Vĩnh Hy, Trạm Biên phòng Bãi Kinh và Thanh tra Giao thông tỉnh Khánh Hòa tổ chức 5 đợt kiểm tra vận chuyển hành khách tại vịnh Vĩnh Hy, Bãi Kinh theo kế hoạch liên ngành.

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra tải trọng của các phương tiện
vận tải trên tuyến đường Lê Duẩn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Qua kiểm tra, đã lập biên bản vi phạm hành chính 220 trường hợp, xử lý phạt tiền trên 444,7 triệu đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 2 tháng đối với 10 trường hợp; quyết định thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 5 phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; tạm đình chỉ 7 trường hợp xây dựng nhà tạm, tường rào, san lấp trong phạm vi đất dành cho đường bộ; nhắc nhở 520 trường hợp vi phạm nhỏ về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ, vi phạm trật tự đô thị có thể khắc phục được ngay... Qua triển khai quyết liệt công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT, tổ chức kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động cho thấy các nhóm vi phạm về tải trọng, về thiết kế thành thùng xe, về bốc xếp hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã giảm.

Việc lập lại trật tự vận tải hành khách, chấn chỉnh tình trạng “bến cóc, xe dù” tiếp tục có nhiều chuyển biến. Thời gian qua, Sở GTVT đã có công văn yêu cầu các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động vận tải khách bằng ô tô. Trong đó, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách như đón, trả khách đúng quy định, làm thủ tục, đăng tài, xuất bến đúng quy định, tuân thủ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm, vi phạm nhiều lần sẽ áp dụng biện pháp phạt bổ sung (tăng mức phạt, thu hồi phù hiệu, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép), đồng thời yêu cầu Bến xe khách tỉnh phát lệnh xuất bến đúng quy định. Song song với công tác tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo, riêng trong năm qua, sở đã ban hành 36 quyết định thu hồi phù hiệu 121 phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trong quá trình thực hiện đã nổi lên một số khó khăn cần có biện pháp tháo gỡ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh như: Việc xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn nhiều khó khăn do việc phối hợp của chính quyền địa phương chưa cao, một số trường hợp không chấp hành nghiêm túc việc xử lý vi phạm; đối với lĩnh vực vận tải, một số doanh nghiệp mặc dù đã bị thu hồi phù hiệu vẫn cố tình cho xe hoạt động nhưng chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Để phấn đấu giảm sâu tai nạn giao thông từ 5-10% như mục tiêu đã đề ra, ngành GTVT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; đặc biệt là công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính kịp thời các trường hợp vi phạm đất dành cho đường bộ, xe chở quá tải, quá khổ cầu đường cho phép. Thanh tra, kiểm tra các hoạt động có liên quan đến phương tiện, bến thủy nội địa tại vịnh Vĩnh Hy, Bãi Kinh. Ngoài ra, duy trì hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường thuộc tỉnh quản lý.