Những người mẹ kiên trung

(NTO) Trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, đất nước ta có hàng triệu người con xung phong lên đường ra trận để chiến đấu và giữ vững nền độc lập, tự do. Đằng sau họ là những bà mẹ thầm lặng hy sinh và tiếp sức cho cả dân tộc.

Suốt 40 năm sau ngày giải phóng, ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn) có một bà mẹ thầm lặng với những chuyến đi từ Ninh Thuận về Hoài Nhơn (Bình Định), nơi quê hương bà để tìm lại phần mộ đứa con thân yêu đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ròng rã kiếm tìm, mỏi mòn chờ đợi nhưng chưa một ai nghe bà buông câu than vãn hay lời oán trách. Câu chuyện của bà tiêu biểu cho hàng triệu người mẹ, người vợ của đất nước ta thời hậu chiến có chồng, con hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Thiệt, năm nay đã 86 tuổi, có chồng và 1 con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuổi 19, mẹ Thiệt lấy chồng, sinh con rồi lần lượt tiễn những người thân yêu nhất của mình ra trận. Bản thân mẹ cũng tham gia tải đạn, tải gạo tiếp tế cho tiền tuyến, từng 2 lần bị giặc bắt giam và tra khảo đến mức phải nằm một chỗ gần cả tháng trời. Năm 1968, chồng mẹ là ông Trần Hoa, hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ trong một trận càn sau 3 năm tham gia vào Đội du kích địa phương. Nỗi đau chưa nguôi thì vào năm 1972, mẹ lại nhận tin báo, người con đầu là Trần Huyến đã hy sinh khi chỉ mới 19 tuổi nhưng chưa tìm được phần mộ. Lòng mẹ thắt lại. Do vậy, sau giải phóng, mẹ đi nhiều nơi, dò hỏi nhiều người về nơi anh đã hy sinh mong tìm gặp và đưa anh về yên nghỉ tại quê nhà. Tâm nguyện ấy cuối cùng cũng được hoàn thành vào đúng dịp cả nước ta kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ Mẹ đã yên lòng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiểu
tưởng nhớ về người con trai qua tấm di ảnh để lại.

Để có được khúc khải hoàn ngày chiến thắng, khắp đất nước ta có hàng triệu người vợ, người mẹ đã phải gánh chịu nỗi đau chồng chất khi mất chồng, mất con. Bản thân các mẹ cũng âm thầm đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chung của cách mạng. Họ luôn sống kiên trung, bất khuất và cống hiến trọn đời cho đất nước. Ở tuổi ngoài 90, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thiểu, ở thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải (Ninh Hải) sống bình yên trong căn nhà được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng vào tháng 7-2016. Nhìn lên bàn thờ đặt 2 tấm di ảnh cùng 2 bằng Tổ quốc ghi công lần lượt mang tên: Liệt sỹ Võ Chắc, cán bộ phong trào xã, hy sinh tháng 12-1962 và Liệt sĩ Võ Văn Dân, Hạ sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ngày 20-11-1972, Mẹ nhẹ nhàng nói: Người đã mất nhưng chiến công vẫn còn ghi lại, được Đảng, Nhà nước vinh danh. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của những ai đã từng sống trong thời mưa bom bão đạn. Bao nhiêu năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp cùng các ban, ngành, đoàn thể nên cuộc sống của Mẹ được đảm bảo. Các con của Mẹ nay đã trưởng thành, có gia đình riêng. Mẹ cũng được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Do vậy, Mẹ không cảm thấy tiếc nuối điều gì cả.

Bà Nguyễn Thị Doãn, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Đến nay, tỉnh ta có 501 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, có 12 Mẹ còn sống, mỗi Mẹ được 2 đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời. Năm 2018, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu phấn đấu 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm, chăm lo đời sống giúp các Mẹ phần nào xoa dịu nỗi đau thương, mất mát, sống yên vui với tuổi già. Đó là nghĩa cử thiết thực nhất thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đối với những người đã dâng hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú nhất.