Những đổi thay ở xã Phước Chiến anh hùng

(NTO) Trong không khí hào hùng của tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại vùng đất anh hùng Phước Chiến của huyện Thuận Bắc. Trong chiến tranh, đồng bào Raglai xã Phước Chiến đã anh dũng, đoàn kết, đứng lên cùng người dân xã Phước Kháng chiến đấu phá tan khu tập trung Bà Râu (Lợi Hải). Sau ngần ấy năm, chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này, chúng tôi cảm phục về tinh thần vươn lên, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất của bà con nơi đây.

Vượt qua những cung đường ngoằn ngoèn, chúng tôi đến trung tâm xã Phước Chiến. Vùng đất này là nơi tập trung đồng bào Raglai của huyện sinh sống, địa hình hoang sơ, chủ yếu đồi núi, đất đá rất khó phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không chùn bước trước những khó khăn, bà con luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sự thay đổi rõ nhất mà ai cũng thấy đó là hơn 90% đường giao thông được trải nhựa, bê tông sạch đẹp, giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn. Nói về sự đổi mới của quê hương, đồng chí Đá Mài Bắn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước kia, người dân sống và trồng trọt trên núi, trên rẫy, bây giờ họ về đây sống tập trung, biết cách khai hoang đất để trồng trọt. Ngày trước, bà con chỉ sản xuất dựa vào nước trời là chủ yếu, cây trồng phát triển một cách tự nhiên, ngày nay bà con được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc lúa, thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” để nâng cao năng suất cây trồng. Song song đó, người dân xã Phước Chiến bắt đầu biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, bước tiến mới là sử dụng máy cày, máy gặt đập liên hợp để thay thế cho sức người, sức trâu, bò. Ngoài sản xuất lúa, bà con còn trồng các loại cây trồng khác như điều, mía, khoai mì, các loại cây ăn trái… hình thành được các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Đơn cử như mô hình sản xuất bắp lai đạt năng suất 5 tấn/ha/vụ; mô hình thâm canh cây mía đạt năng suất 60 tấn/ha; mô hình trồng cây ăn quả (mít, chuối) trên đất dốc; khoai mì cho năng suất 20 tấn/ha; mô hình nuôi heo đen, nuôi bò, dê, cừu dưới tán rừng...góp phần tăng thu nhập cho bà con. Một điểm đổi mới là tận dụng những đồng cỏ ven sông, suối làm nguồn thức ăn, người dân địa phương phát triển đàn gia súc có sừng lên 6.509 con, chủ yếu là bò. Đến Phước Chiến, chúng tôi nhận thấy bà con đang dần thay đổi thói quen “tự phát, tự cung, tự cấp”, trong vùng đã xuất hiện nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, phục vụ trao đổi hàng hóa cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm chính quyền giới thiệu và tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại các công ty trong và ngoài tỉnh với mức lương ổn định.

Đối với công tác giảm nghèo, chính quyền xã luôn quan tâm thực hiện quyết liệt, các hộ nghèo giảm dần qua các năm; các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, phát triển kinh tế triển khai kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con. Hình ảnh đổi mới của nông thôn Phước Chiến thể hiện qua điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp, nhà cửa người dân xây dựng kiên cố. Hiện 100% hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi; 100% dân số được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới được bà con hưởng ứng tham gia nhiệt tình…

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, người dân xã Phước Chiến luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thời bình. Bằng ý chí, nghị lực, tin rằng đời sống của người dân ở vùng đất này sẽ ngày càng được nâng lên.