Chiến sĩ an ninh năm xưa kể chuyện ngày giải phóng

Đồng chí Tô Ngọc Đức, Đại tá Công an nghỉ hưu, nguyên chiến sĩ lực lượng an ninh thị xã:
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, trước khi hồi tưởng lại diễn biến ngày 16-4-1975, tôi không thể quên được hình ảnh đồng đội hy sinh trong ngày 8-4. Thời điểm đó, chuẩn bị cho việc tiếp quản khi địch quân bỏ chạy, lực lượng vũ trang tỉnh đã tập kết tại xóm Dừa, đánh vào phi trường Thành Sơn nhưng bị phản công dữ dội nên một bộ phận tạm thời rút về núi Cà Đú. Trong một trận đánh gần Nhà thờ Phước Đức, vì bất ngờ trước 2 mũi tấn công của địch, nhiều đồng đội đã hy sinh ngay trước mắt tôi. Lúc 6 giờ sáng ngày 16-4, là chiến sĩ an ninh thị xã nên tôi có mặt trong đoàn quân chủ lực dẫn đường tiến vào thị xã và tham gia cánh quân tiếp quản các cơ quan của Ngụy quyền ở Tháp Chàm như chi khu quân sự, chi Cảnh sát, trụ sở hành chánh quận Bửu Sơn…

Đến nay trong tôi vẫn không quên được cảm giác vui mừng, sung sướng tột đỉnh trong ngày đại thắng. Nhìn lại chặng đường 43 năm qua, không thể không phấn khởi trước hình ảnh quê hương Ninh Thuận hôm nay. Từ xóm Dừa cho đến nhiều địa điểm chiến đấu trước đây trên địa bàn thị xã giờ đã hoàn toàn thay đổi. Có dịp đi nhiều vùng trong tỉnh, tôi bắt gặp rõ hình ảnh đổi mới trong đời sống thành thị lẫn nông thôn. Không nói đâu xa, ngay cạnh xóm Dừa giờ có thêm tuyến đường Phan Đăng Lưu tạo thuận lợi cho giao thông về trung tâm thành phố. Tuy nhiên, mỗi năm cứ vào độ tháng Tư về, tôi lại bồi hồi nhớ đến những đồng đội hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, không được may mắn như tôi nhìn thấy ngày quê hương, đất nước giải phóng. Tôi và nhiều đồng đội có tâm nguyện xây dựng một nhà bia tưởng niệm ngày 8-4 tại xóm Dừa, lấy ngày đó làm mốc để tưởng niệm chung các đồng đội đã chiến đấu, hy sinh trên địa bàn thị xã trong giai đoạn chống Mỹ. Xóm Dừa là căn cứ lõm, nơi ghi nhiều dấu ấn hoạt động của các cán bộ cách mạng, của Thị ủy Phan Rang-Tháp Chàm và một số đơn vị lực lượng vũ trang. Tôi mong tỉnh và thành phố quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi, những chiến sĩ thời ấy, hoàn thành tâm nguyện này để làm nơi gặp gỡ sinh hoạt với mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng của thế hệ cha, ông.

Đồng chí Phạm Tất Thắng, nguyên chiến sĩ biệt động:
Ở tuổi 70 và dù đã 43 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng, nhưng trong ký ức mình, tôi vẫn giữ mãi những hình ảnh xảy ra vào ngày 16-4-1975. Là chiến sĩ Biệt động thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, thuộc Đại đội Đặc công 314 hoạt động tại núi Cà Đú, trước đó chúng tôi đã được cấp trên cho biết dự kiến sẽ giải phóng Ninh Thuận vào ngày 8-4, nhưng rồi do địch thiết lập “lá chắn thép” Du Long nên không thực hiện được. Rạng sáng ngày ngày 16-4, trong tiếng bom đạn đinh tai của quân địch thả xuống phá hủy các cầu cống trên đường 1A dẫn vào thị xã, từ đỉnh núi Cà Đú nhìn qua ống dòm (nhòm), tôi thấy rõ đoàn quân chủ lực đang tiến vào bất chấp máy bay địch đang oanh kích. Tại ngã ba Cà Đú, tôi và đồng đội xuống núi đón và dẫn đường đoàn quân tiến vào trung tâm thị xã. Ngay trong buổi sáng, tôi được lệnh tham gia cánh quân tiếp quản Trại Nguyễn Hoàng ở Tháp Chàm và chiều hôm đó lại nhận lệnh cùng 1 tiểu đội xuống chốt ở ngã ba Tấn Tài.

Niềm vui của ngày tiếp quản thị xã không thể tả hết, lần đầu tiên chúng tôi tự do đi lại trên đường phố trong tâm trạng lâng lâng, sảng khoái. Cũng từ ngày ấy và còn kéo dài mãi đến nay là sự bùi ngùi thương tiếc các đồng đội đã hy sinh trước đó 1 tuần, họ còn quá trẻ và đã không kịp nhìn thấy ngày quê hương giải phóng. Trong suốt 43 năm, ngần ấy thời gian với biết bao thay đổi, Ninh Thuận và Phan Rang-Tháp Chàm đã mang bộ mặt mới, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Ngã ba Cà Đú ngày nào đứng đợi đại quân, bây giờ dân cư đông đúc, có khu công nghiệp, có Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, đường sá mở rộng 4 làn xe. Tôi đặc biệt ấn tượng với việc xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hiện đại gần đó. Trong niềm hân hoan chung, tôi chạnh nhớ về những hang đá ở núi Cà Đú, nơi đã in dấu bao kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi động. Sáu năm trước, có dịp lên thăm lại, tôi và các đồng đội thở phào nhẹ nhõm vì các hang đá ấy vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Với ý nghĩa lịch sử được xác nhận, tôi mong cơ quan chức năng tỉnh tiếp tục tôn tạo, giữ gìn di tích núi Cà Đú để các thế hệ sau có dịp về tham quan, ngưỡng vọng nơi từng là căn cứ hoạt động chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của cha ông mình.