(NTO) Phước An 1 là một trong 5 thôn của xã Phước Vinh (Ninh Phước) nằm trong vùng hưởng lợi của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Toàn thôn hiện có 820 hộ, với 4.786 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, người dân canh tác được quanh năm với các cây trồng thế mạnh như: Lúa, bắp, táo và một số hoa màu khác. Đặc biệt những năm gần đây, nông dân địa phương khá chú trọng vào cây táo kết hợp với chăn nuôi dê, cừu. Do đó, Phước An 1 cũng là thôn có diện tích trồng táo lớn nhất xã với hơn 40ha.
Được sự hỗ trợ của Dự án HTTN và định hướng của Ban Phát triển xã, Ban Quản lý thôn tiến hành họp dân và thống nhất chọn cây táo làm chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, sau đó thành lập một nhóm cùng sở thích (NST) trồng táo với mục tiêu đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho người trồng. Ông Đoàn Phú Thọ, Trưởng NST trồng táo của thôn, cho hay: Nhóm được thành lập từ tháng 9-2014, với 27 hộ thành viên tham gia, trong đó có 3 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, còn lại là hộ trung bình; tổng diện tích trồng táo nhóm đăng ký thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP là 7,75ha. Từ khi NST đi vào hoạt động đến nay, các hộ thành viên đã tham gia 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ vật tư nông nghiệp và hướng dẫn cách làm bẫy, bả sinh học phòng trừ ruồi đục. Tháng 7-2015, từ nguồn tài trợ của Quỹ CDF thuộc Dự án HTTN, nhóm nhận được 200 triệu đồng để thực hiện quy trình trồng táo an toàn, chất lượng.
Vườn táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Đoàn Phú Thọ.
Hiện NST trồng táo do ông Thọ phụ trách đã áp dụng quy trình chăm sóc táo theo hướng VietGAP vụ đầu tiên và đang cho thu hoạch. Ông Thọ cho hay: Lợi thế của NST là các hộ thành viên đều đã gắn bó với cây táo lâu năm nên việc áp dụng quy trình mới trồng theo hướng VietGAP không quá khó với bà con. Khi tham gia vào NST của Dự án HTTN, nông dân được hỗ trợ tiền mua phân bón cho cả vụ, đối với hộ nghèo và cận nghèo coi như giải quyết được cái khó về đầu tư sản xuất. Ngoài ra, nhóm cũng đang thực hiện tiểu dự án liên kết với Doanh nghiệp tư nhân SX-TM&DV Ba Mọi (xã Phước Thuận, Ninh Phước) trong tiêu thụ sản phẩm. Ngoài cam kết thu mua táo tươi với giá cao hơn từ 1-5% giá trên thị trường, trong quá trình liên kết bao tiêu nông sản, Doanh nghiệp Ba Mọi còn phối hợp mở các lớp tập huấn sản xuất an toàn cho nông dân và hướng dẫn quy trình thực hiện, giúp các thành viên trong nhóm có giấy chứng nhận sản xuất VietGAP.
Qua tìm hiểu, thực tế triển khai liên kết giữa NST với doanh nghiệp thu mua sản phẩm đã nảy sinh một trở ngại. Theo ông Hồ Văn Thọ, thành viên NST trồng táo thôn Phước An 1, cho biết: Đang là cuối vụ thu hoạch nên giá táo trên thị trường chỉ 6.000 đồng/kg, trong khi doanh nghiệp liên kết với NST thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, quá trình thu mua, sản phẩm táo đạt tiêu chuẩn chất lượng (số trái/kg) theo cách quy ra loại táo của doanh nghiệp khá là gây khó cho nông dân. Đơn cử như theo hợp đồng thu mua của doanh nghiệp thì táo tươi khi thu hoạch sẽ được phân hạng táo loại 1, giá 8.000 đồng/kg; loại 2, giá 4.000 đồng/kg và táo “xả” giá 2.000 đồng/kg… Đối với nông dân như vậy thì khá là bất tiện, trong khi họ thích bán kiểu cân ký tính tiền một lần theo cách thu mua của thương lái hơn. Tuy nhiên, với thời điểm vào mùa táo “rộ”, thương lái o ép có khi không chịu tiêu thụ thì việc liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người trồng.
Từ thực tế trên, nguyện vọng của các thành viên trong NST trồng táo thôn Phước An 1 là Ban Phát triển xã Phước Vinh cần có hướng giải quyết nhằm giúp nông dân vừa có đầu ra ổn định, vừa xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa NST với doanh nghiệp. Từ đó, mới mong đạt được mục tiêu nâng giá trị, cải thiện thu nhập cho người trồng táo và phát triển chuỗi giá trị táo của địa phương.
Diễm My