Kết quả bước đầu từ mô hình nuôi bò sinh sản qua nguồn Quỹ CSG ở Hòa Sơn

(NTO) Được Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) hỗ trợ để triển khai mô hình nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, qua hơn một năm thực hiện, tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), mô hình này đang bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận, mở ra hướng sinh kế lâu dài cho người dân địa phương.

Xã Hòa Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 6.575ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp có khoảng 1.306ha. Toàn xã có 6 thôn, với 1.119 hộ/4.115 khẩu, người dân chủ yếu làm rẫy và chăn nuôi. Cây trồng chính là mì, mía với tổng diện tích khoảng 851ha mì/vụ/năm; hơn 150ha mía/vụ/năm. Vật nuôi chủ yếu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương là con bò, với tổng đàn hiện có khoảng 650 con.

Được biết, trong khuôn khổ Dự án HTTN tỉnh thì Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) là một Tiểu hợp phần của dự án được thành lập và vận hành từ năm 2014, nhằm mục đích “tạo ra các cơ hội sinh kế, hiệu quả và bền vững về mặt kinh tế cho các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, các nhóm đồng sở thích và các tổ hợp tác khu vực nông thôn”. Cuối năm 2014, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ CSG, xã Hòa Sơn đã thành lập 4 nhóm chăn nuôi bò sinh sản tại 4 thôn gồm: Tân Lập, Tân Hiệp, Tân Tiến và Tân Hòa, với tổng số thành viên tham gia là 30 hộ, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Đến tháng 3-2015, Quỹ CSG hỗ trợ cho các nhóm chăn nuôi của địa phương 400 triệu đồng (mỗi nhóm 100 triệu đồng) để mua bò cái về chăn nuôi sinh sản. Mỗi nhóm chỉ phải đối ứng thêm 10% kinh phí để xây dựng chuồng trại.

 
Mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn quỹ CSG đang bước đầu phát huy hiệu quả tại xã Hòa Sơn.

Khác với mô hình nuôi bò Heifer, các thành viên sẽ phải chuyển giao con giống để chăn nuôi hưởng lợi xoay vòng. Đối với mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn Quỹ CSG, các thành viên trong nhóm sẽ được quyền bán đi con giống sinh ra để giải quyết khó khăn về nhu cầu kinh tế trước mắt hoặc tiếp tục nuôi con giống sinh ra để gầy đàn. Tuy nhiên, trong quy chế thực hiện mô hình này, thì sau 3 năm, các nhóm phải trả lại 50% vốn hỗ trợ của dự án hoặc cam kết phải sử dụng nguồn vốn này kết nạp thêm thành viên mới để hỗ trợ cùng giúp nhau thoát nghèo (có tiêu chí cụ thể).

Nói đến mô hình chăn nuôi này, ông Bùi Nghĩa Lý, Trưởng nhóm chăn nuôi bò sinh sản thôn Tân Lập, cho biết: Trước đây từ Chương trình 135, tại địa phương cũng đã có nhiều hộ chỉ nhận một con bò cái về nuôi sinh sản, nhưng sau vài năm đã gầy đàn và vươn lên thoát nghèo. Mô hình này cũng tương tự như thế, tuy nhiên điểm đáng mừng nhất là từ nguồn vốn hoàn lại, các nhóm sẽ có quyền đề xuất kết nạp thêm thành viên, đây là cơ hội cho rất nhiều hộ nghèo nữa cùng vươn lên chứ không riêng gì những hộ thành viên tham gia trước.

Mặc dù đang trong mùa khô hạn, nhưng nhờ được tập huấn về công tác chăm sóc, dự trữ nguồn thức ăn hợp lý, đặc biệt là việc chủ động trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi, nên hầu hết số bò của 4 nhóm chăn nuôi trên địa bàn xã đều phát triển tốt cả về chất lượng và số lượng. Trong số 20 con bò cái sinh sản của 4 nhóm, đến nay đã có 2/3 số bò sinh sản, số còn lại đều cấn chửa. Dự kiến đến quý II năm nay, tổng đàn bò sẽ tăng gấp đôi và các nhóm sẽ họp bàn với Ban Phát triển xã lựa chọn, kết nạp thêm thành viên mới để hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã Hòa Sơn, mô hình nuôi bò sinh sản hiện nay đang rất được nông dân đầu tư phát triển. Qua rà soát thì có rất nhiều hộ nghèo trước khi được hưởng lợi từ Dự án HTTN đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, khi được dự án hỗ trợ thì việc phát triển mô hình này càng thêm thuận lợi. Hiện nay, qua các bước kết nối thì Ban Phát triển xã cũng đã làm cầu nối được ít nhất 3 cơ sở thu mua, buôn bán con giống trên địa bàn tỉnh bao tiêu sản phẩm "đầu ra" để bà con yên tâm phát triển.