Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản Chương trình. Nhà tài trợ Chương trình là một số tổ chức của Liên hợp quốc, trong đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) là đầu mối chủ trì.
Xây dựng nông thôn mới ở xã Nam Đông, huyện Chư Jút, tỉnh Đăk Nông. Ảnh: An Luých
Mục tiêu dài hạn của Chương trình là cung cấp trợ giúp chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn Việt Nam thông qua điều phối các trợ giúp kỹ thuật của hệ thống Liên hợp quốc nhằm tích hợp các lợi thế so sánh của từng cơ quan đối với Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các mục tiêu ngắn hạn gồm: tư vấn kỹ thuật cho Ban Chỉ đạo Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; điều phối các nhà tài trợ, cơ quan tham gia và các chuyên gia thông qua Nhóm hỗ trợ quốc tế (ISG) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hình thành một khuôn khổ pháp lý để tăng cường sự tham gia của người dân; tăng cường dịch vụ tư vấn chính sách và thí điểm các cải tiến thể chế hỗ trợ gia nhập thị trường của các hộ tiểu nông và nhà sản xuất nhỏ; tư vấn cho cấp quốc gia và địa phương về an ninh lương thực; khuyến khích sử dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp...
Chương trình gồm 3 hợp phần: Nâng cao hiểu biết của người sản xuất và cư dân nông thôn; Tăng cường năng lực xây dựng chính sách, chiến lược và đầu tư công; Điều phối, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thời gian thực hiện Chương trình là 3 năm (kể từ ngày được phê duyệt) với tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 1,39 triệu USD, bao gồm: Vốn ODA do các tổ chức Liên hợp quốc viện trợ không hoàn lại là 1,1 triệu USD; vốn đối ứng của phía Việt Nam là 6,009 tỷ đồng (tương đương 290.000 USD).
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam