Đường nội đồng - tạo động lực cho Phước Hậu xây dựng nông thôn mới

(NTO) Chúng tôi đến xã Phước Hậu (Ninh Phước) vào một ngày đầu năm mới, khi nông dân nơi đây vừa kết thúc gieo cấy lúa vụ đông-xuân. Đi trên những con đường nội đồng vừa được bê-tông hóa, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu, cho biết: Từ đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa, Phước Hậu sẽ có thêm động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trong những năm qua, nhờ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, Phước Hậu luôn cho thấy hình ảnh đổi mới sinh động của các làng quê. Xuyên qua xã Phước Hậu, ngoài trục đường chính dài 11 km được Nhà nước quan tâm đầu tư nhựa hóa đi qua 4 thôn, Phước Hậu còn vận động nhân dân thực hiện bê-tông hóa 7 km đường giao thông nội thôn khắp 7 thôn trong xã. Đặc biệt từ tháng 9-2013, thực hiện Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 21-6-2013 của UBND tỉnh về việc bê-tông hoá đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phước Hậu đã triển khai thi công 10,48 km đường giao thông nội đồng với 12 tuyến. Theo báo cáo của UBND xã Phước Hậu, các công trình trên được Nhà nước hỗ trợ 2 đợt tổng cộng 2.194 tấn xi-măng (tương ứng 2,697 tỷ đồng) và nhân dân đóng góp 900 triệu đồng, hàng trăm ngày công lao động. Các con đường nội đồng đã giải quyết cho việc lưu thông, vận chuyển của khoảng diện tích 600 ha lúa, trong đó đáng chú ý là các tuyến ra cánh đồng lúa Láng Lớn (thôn Hiếu Lễ) dài 1,3 km, ra cánh đồng Sân Đạp (thôn Chất Thường) dài 1,5 km và ra vùng sản xuất Đội 4 (thôn Hiếu Lễ) dài 1,1 km, được coi là các trục đường nội đồng quan trọng nhất của xã.

 
Đường nội đồng Đội 4, thôn Hiếu Lễ vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất cho người dân địa phương.

Đồng chí Hứa Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Phước Hậu nhớ lại: Trong quá trình thi công, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã nhận được sự hưởng ứng khá tích cực của nhân dân, có khoảng 50 hộ sẵn sàng hiến đất ruộng nhường bớt bình quân 0,5 m cho đường nội đồng; cá biệt có hộ ông Lưu Huề ở thôn Phước Đồng 1 cho đường lấn vào 0,8 m dọc chiều dài 20 m; ông Kim Lai ở thôn Phước Đồng 2 nhường phần ruộng có chiều dài 15 m dọc theo đường. Cách đây gần 2 năm, đi trên con đường nội đồng từ Hiếu Lễ qua Trường Thọ, Trường Sanh với chiều dài 1,7 km do Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư, tôi đã cảm nhận được ý nghĩa mang lại của công trình này. Ông Quảng Đại Thắng- nông dân ở thôn Hiếu Lễ có 6 sào lúa 3 vụ ở xứ đồng Trấn Thủ, Cà Ràn (Hiếu Lễ), đang trên đường ra đồng thăm lúa, hồ hởi: Trước kia con đường nội đồng này dù được rải đá cấp phối nhưng khi mưa xuống bùn đất đều nhão ra không thể nào đi được, khi thu hoạch, chúng tôi phải vận chuyển lúa với chi phí tốn kém.

Bây giờ có con đường mới này, nông dân chúng tôi đã giảm chi phí rất nhiều, có thể dùng mặt đường làm chỗ trộn phân rồi đem xuống ruộng rải rất tiện, tiện lợi hơn nữa là có thể đạp xe ra thăm đồng. Tương tự, ông Lộ Giói-nông dân thôn Hiếu Lễ-có 3 sào lúa 3 vụ cạnh con đường nội đồng cũng chia sẻ: Người dân từ thôn Hiếu Lễ đến Trường Thọ và cả các thôn khác đều cảm ơn Nhà nước đã quan tâm làm những con đường nội đồng tạo thuận lợi phát triển sản xuất.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đức, với gần 10,5 km đường giao thông nội đồng vừa hoàn thành, đã làm lợi cho mỗi ha lúa/vụ khoảng 500 ngàn đồng (do giảm chi phí vận chuyển), và nếu tính chung diện tích 900 ha lúa vụ đông-xuân vừa xuống giống, nông dân Phước Hậu đã tiết kiệm được 450 triệu đồng chi phí sản xuất. Hiện nay, Phước Hậu còn 7 km đường nội đồng cấp phối, nếu được hỗ trợ theo Quyết định số 32/QĐ-UBND, sẽ tiếp tục thi công trong năm nay. Lúc ấy sẽ có nhiều tuyến đường nội đồng kết nối với các tuyến đường giao thông nông thôn của xã và liên xã. Có thể thấy rõ dự án kiên cố hóa đường giao thông nội đồng đang góp phần mở ra cơ hội mới cho Phước Hậu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, là một trong những nhân tố quan trọng tác động hiệu quả vào tiến trình xây dựng NTM của địa phương.