Nhờ hưởng lợi từ nguồn nước hồ Sông Trâu và hồ Bà Râu, sản xuất nông nghiệp ở Lợi Hải đang có những dấu hiệu khởi sắc. Tính riêng trong năm 2013, qua 3 vụ sản xuất, nông dân Lợi Hải đã canh tác tổng cộng 2.693 ha diện tích, tăng 3% so với năm 2012; ngoài lúa, bắp, rau đậu, các cây công nghiệp như thuốc lá, mía đang phát triển mạnh.
Lợi Hải xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, chú trọng phát triển nuôi bò.
Tuy nhiên theo đồng chí Đỗ Đức Thành, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Phát triển xã Lợi Hải, khi xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, Ban Phát triển xã chọn chăn nuôi, một thế mạnh kinh tế nông nghiệp từ lâu của Lợi Hải. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, Lợi Hải chú trọng phát triển nuôi bò, gần đây có thêm heo đen, vật nuôi bản địa của bà con dân tộc Raglai. Căn cứ thực tế địa phương, Ban Phát triển xã đã xác định 2 chuỗi giá trị sản phẩm (bò, heo đen) và tiến hành thành lập 3 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích), bao gồm 2 nhóm chăn nuôi bò tại 2 thôn Ấn Đạt, Bà Râu 2 và 1 nhóm nuôi heo đen ở thôn Suối Đá (mỗi thôn có 1 tổ, mỗi tổ có 20 thành viên). Gần đây, từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, Lợi Hải đã thực hiện đầu tư 4 công trình: Xây dựng đường giao thông nội đồng ra vùng sản xuất cánh đồng Nhíp; nâng cấp, sửa chữa đường vận chuyển nông sản khu vực phía Bắc thôn Bà Râu 1; nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương thoát nước thôn Suối Đá và bê-tông hóa đường vận chuyển nông sản thôn Kiền Kiền 2.
Cũng từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh hỗ trợ, Lợi Hải đã chuyển giao bò (mỗi tổ 2 con) cho 2 tổ chăn nuôi bò và heo đen (mỗi hộ thành viên 6 con) cho tổ nuôi heo. Đồng chí Đỗ Đức Thành cho biết thêm: Địa phương lựa chọn chăn nuôi bò là chuỗi giá trị chính trong dự án vì địa bàn có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò. Đối với heo đen, người dân Raglai địa phương cũng tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có. Thực tế khảo sát cũng cho thấy các hộ nghèo và cận nghèo ở Lợi Hải phần lớn đều có nuôi bò, thích hợp thực hiện dự án. Riêng việc nuôi heo đen thương phẩm, tuy chỉ phát triển trong những năm gần đây, nhưng đã có một số hộ dân Raglai trong xã biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới và đang có đầu ra ổn định. Thấy được ưu điểm vượt trội của heo đen, vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình, dự án đã hỗ trợ gần 21 triệu đồng cho 20 hộ trong tổ nhóm làm chuồng nuôi. Có thể nói việc bổ sung xác định chuỗi giá trị heo đen là một hướng đi triển vọng vì nguồn lực đầu tư không lớn, heo đen dễ nuôi và việc hưởng lợi cũng nhanh chóng hơn, người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững từ sản phẩm này.
Mặt khác, để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, Ban Phát triển xã Lợi Hải còn phối hợp với cơ quan chức năng huyện mở tại chỗ 3 lớp tập huấn gồm: 1 lớp kỹ thuật trồng lúa, bắp, 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi gia súc và 1 lớp quản lý kinh tế hộ. Được Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần, Ban Phát triển xã Lợi Hải đang dần hiện thực hoá các mục tiêu của Dự án Hỗ trợ Tam nông, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và cận nghèo ở Lợi Hải khắc phục khó khăn, tìm phương cách sản xuất hiệu quả nhằm thoát nghèo bền vững.
Vân Tuyền