Vốn ngân hàng: Góp phần xây dựng nông thôn mới

(NTO) Phát triển KT-XH nói chung và phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn nói riêng đặt ra yêu cầu nguồn vốn tín dụng rất lớn. Để đáp ứng yêu cầu này, những năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn toàn tỉnh.

“Bơm vốn” cho nông thôn

Nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng nông dân trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu từ hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ cho vay của ngân hàng. Anh Hoàng Văn Kính, Trưởng thôn Triệu Phong 2 (Tân Sơn, Ninh Sơn), là một trong những hộ nông dân làm giàu từ chính đồng vốn của ngân hàng. Năm 2008, ông được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho vay 80 triệu đồng để sản xuất, đầu tư vào trồng mỳ, mía và chăn nuôi. Năm 2010, anh đã trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng và vay lại 200 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng mía, mỳ, mua xe công nông vận chuyển và mua máy cắt lát mỳ. Đến nay, gia đình anh đã có 20 ha mỳ, mía thu nhập bình quân mỗi năm từ 200 đến 250 triệu đồng; giải quyết từ 1.000 đến 1.200 công lao động nhàn rỗi tại địa phương, với mức thu nhập mỗi lao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/ngày. Anh Kính chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn ngân hàng, gia đình sẽ không được như ngày hôm nay”.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn-Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Còn ông Vạn Quang Phú Đoan, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất gốm Vĩnh Thuận 5, thuộc Hợp tác xã gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước), cho biết: Trong năm 2013, đã được Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Ninh Thuận tạo điều kiện cho vay 65 triệu đồng/10 hộ dân trong tổ hợp tác. Nhờ số tiền này, các hộ gia đình đã mở rộng, đầu tư sản xuất, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, thúc đẩy bộ mặt nông thôn phát triển. Chỉ mong sao, ngân hàng cho vay nhiều hơn để HTX, xã viên có nguồn vốn nhiều hơn đầu tư mua máy, giống vật tư… để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển hơn.

Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tính từ tháng 8-2010 đến nay, nguồn vốn tín dụng cho vay khu vực nông thôn ở tỉnh ta là 5.880 tỷ đồng, chiếm 24,9% trong tổng doanh số cho vay nền kinh tế cùng giai đoạn. Dư nợ tín dụng địa bàn nông thôn đạt trên 3.000 tỷ đồng, với 102.091 lượt khách hàng. Bình quân vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ thuộc đối tượng ưu tiên vay vốn chính sách nhà nước trên 22 triệu đồng/hộ; hộ thông thường vay vốn ngân hàng thương mại trên 40,5 triệu đồng/hộ; 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đầu tư tín dụng cho 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, dư nợ 556 tỷ đồng, với 33.794 lượt khách hàng. Cho vay ưu đãi lãi suất đối với huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 10,5 tỷ đồng, với 738 lượt hộ. Nhờ phát huy hiệu quả vốn vay, mức sống của nhiều gia đình được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.

Đồng hành xây dựng NTM

Theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu xây dựng NTM, nhấn mạnh: “Vốn vay từ ngân hàng là một trong những “kênh” quan trọng giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Nhờ được vay với lãi suất ưu đãi, nhiều gia đình ở nông thôn có vốn mua sắm công cụ, vật tư phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng NTM, vốn ngân hàng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đầu tư kết cấu hạ tầng, các hạng mục, tiêu chí xây dựng NTM”.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT giúp nông dân xã Phước Vinh đầu tư chuyển dịch
cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Sơn Ngọc

Bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc Arigbank Ninh Thuận, cho biết trong năm 2014 và những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM tại địa phương. Các chi nhánh sẽ chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp nắm bắt chương trình phát triển KT-XH, tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM. Trên cơ sở phân tích đánh giá thế mạnh, nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở từng địa phương, Agribank Ninh Thuận sẽ có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của người dân.

Đồng chí Lê Văn Cương, cho biết thêm, năm 2014, ngành Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn, ưu tiên cho vay nông nghiệp, nông thôn; qua đó, cùng chung tay, góp sức với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.