Nông thôn mới nhìn từ hạ tầng giao thông

(NTO) Trước mùa xuân Giáp Ngọ 2014, trong dịp hội ngộ với nhóm bạn thời trung học ngày xưa, có một bạn xa quê đã hơn 30 năm tâm sự với tôi rằng, anh rất đỗi ngạc nhiên trước sự đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh nhà.

Quả vậy, kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, ngay những người đang sinh sống tại địa phương vẫn có thể nhận ra sự chuyển biến sâu sắc đời sống nông thôn từ miền núi đến đồng bằng. Gần đây, hình ảnh đổi mới ấy càng rõ nét hơn qua các công trình hạ tầng giao thông đang khẩn trương thi công.

Anh Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh giải thích: “Còn nhiều việc phải làm nếu muốn hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhưng theo tôi các công trình hạ tầng giao thông đang xúc tiến đã tạo ra phong trào khá sôi động, bước đầu đổi mới diện mạo NT trên địa bàn tỉnh ta”. Trong lĩnh vực giao thông NT, chỉ tính trong giai đoạn 2009-2013, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương, toàn tỉnh đã đầu tư phát triển 5 tuyến đường giao thông NT bê-tông dài 67,56 km, 12 cây cầu có chiều dài 1.031 m đến trung tâm các xã. Ngoài ra thông qua chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta tiếp tục đầu tư phát triển theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo đó đã xây dựng mới 82,2 km, nâng cấp 56,4 km đường giao thông NT. Qua các kênh đầu tư, đến nay toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường xe ô-tô được nhựa hóa, bê-tông hóa đến trung tâm xã. Hệ thống giao thông đến cấp thôn cũng được chú trọng phát triển mạnh với 98,8% số thôn có thể đi đến bằng ô-tô.

 
Diện mạo nông thôn mới xã Phước Hữu (Ninh Phước). 

Hiện nay đi từ đồng bằng đến miền núi, đâu đâu tôi cũng có thể bắt gặp những con đường bê-tông hoặc láng nhựa phẳng phiu. Chẳng hạn huyện Ninh Phước, từ giao thông NT chủ yếu là đường cấp phối hoặc cán đá, dạng kỹ thuật kém, đã mở rộng, nâng cấp và nhựa hóa các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn và bê-tông hóa giao thông NT với tổng chiều dài trên 100 km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Huyện Ninh Sơn đã chọn việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông làm điểm nhấn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Nhiều lần đến Ninh Sơn tìm hiểu, tôi nhận ra đường giao thông NT ngoài lợi ích vận chuyển, lưu thông hàng hóa, còn làm thay đổi hẳn bộ mặt NT địa phương. Đơn cử xã Ma Nới có trục đường chính rải nhựa vào đến trung tâm và có hơn 7 km đường bê-tông liên thôn; xã Hòa Sơn có 65% đường nội thôn được bê-tông hóa với chiều dài gần 5,5 km. Cả 2 xã nhờ điểm tựa hạ tầng giao thông, đã tạo diện mạo mới khắp vùng NT địa phương. Đến Thuận Bắc vào dịp này, chúng tôi cũng ghi nhận được sự thay đổi quan trọng về kết cấu hạ tầng giao thông, trong tổng chiều dài 140,7 km đường, đã có 20,1% đường bê-tông nhựa, 12,4% đường láng nhựa, 16,8% đường xi-măng. Ấn tượng đầu tiên là 100% xã đều có đường giao thông đến trung tâm xã đi lại được cả 2 mùa mưa nắng. Không dừng lại ở đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Thuận Bắc sẽ tập trung hoàn thiện việc nhựa hóa hoặc bê-tông hóa hệ thống giao thông từ xã đến thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và giao thông nội đồng.

Nông dân xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Từ năm 2010 đến nay, có thêm nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, tỉnh ta đã đầu tư nâng cấp 30 km đường giao thông NT, giao thông nội đồng, bao gồm 20 con đường được hoàn thành đưa vào sử dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có khoảng 820 km tổng chiều dài trục chính đường nội đồng phục vụ nông nghiệp, trong đó có gần khoảng 200 km đường đã cứng hóa, thuận tiện cho xe cơ giới đi lại. Có thể nói những con đường nội đồng và đường nội thôn, liên thôn đang được chú ý đầu tư đã tác động đến tiến trình xây dựng NTM. Nhiều lần đi trên các con đường nội đồng như đường từ thôn Hiếu Lễ đi Trường Thọ (Phước Hậu, Ninh Phước), đường từ tràn ruộng Láng đến tràn Cây Trôm (Phương Hải, Ninh Hải), giữa lồng lộng hương đồng, gió nội tôi càng cảm khái hơn khi được trò chuyện với các nông dân, nghe những lời tri ân đầy phấn khích đối với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

Từ những con đường giao thông NT, nội đồng, có thể thấy rõ sự đổi mới qua sản xuất phát triển và đời sống dân cư NT từng bước được cải thiện. Theo đó một số nhân tố mới xuất hiện như phong trào ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất lúa trên “cánh đồng mẫu lớn”. Nếu so sánh hình ảnh đổi mới NT hiện nay với tiêu chí xây dựng NT mới, có thể thấy NT tỉnh ta có sự chuyển biến tích cực. Phát triển hạ tầng giao thông đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM hiện đại, tương xứng giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà.