Là đơn vị đồng thực thi Hợp phần 2-Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh, trong năm 2012 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã phối hợp nhóm tư vấn tiến hành điều tra, lựa chọn và tiến hành phân tích 6 chuỗi giá trị vì người nghèo (tỏi, nho, táo, bò, cừu và dê). Từ thực tế sản xuất ở các địa phương miền núi trong tỉnh, năm 2013 nhóm tư vấn về chuỗi giá trị tiếp tục nghiên cứu bổ sung một số chuỗi giá trị định hướng vì nguời nghèo, vì đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi thêm 2 chuỗi giá trị (chuối, heo đen), nhóm tư vấn đã đưa ra giải pháp và xác định các hoạt động ưu tiên cần thiết để nâng cấp 8 chuỗi giá trị vì người nghèo (tỏi, nho, táo, chuối, bò, cừu, dê và heo đen) thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh. Đồng chí Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh nhận xét: Các chuỗi giá trị trên tuỳ theo đặc thù địa phương, có thế mạnh khác nhau nên có kế hoạch thực hiện khác nhau. Điều này có thể thấy rõ, chẳng hạn đối với một số xã miền núi, chuỗi giá trị chuối, bò và heo đen được xác định có tính khả thi cao trong cộng đồng hộ nghèo.
Nông dân xã Phước Bình (Bác Ái) chăm sóc vườn chuối. Ảnh: Nguyễn Sơn
Chuối là cây ăn quả được trồng nhiều tại các huyện miền núi Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Bắc. Theo số liệu thống kê của các huyện, tổng diện tích chuối của 3 huyện là 409 ha, trong đó Thuận Bắc có 167 ha, Bác Ái có 155 ha và Ninh Sơn có 87 ha, với tổng sản lượng 5.100 tấn chuối quả. Chuối là cây trồng phù hợp với các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi và chuỗi giá trị chuối được xác định là chuỗi giá trị vì người nghèo. Chuỗi giá trị chuối đang thực hiện trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện nói trên với tổng số hộ là 13.216 hộ, trong đó có 5.246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ bình quân 39,7% và tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số là 74,8%. Về bò nuôi, toàn tỉnh có tổng đàn trên 100 ngàn con, trong đó có 65% là bò vàng địa phương và 35% là bò lai Zebu, lai Sind. Chuỗi giá trị bò được thực hiện trên 22 xã thuộc địa bàn 6 huyện của dự án, với tổng số 32.933 hộ, trong đó có 10.777 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 32,7%) và tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số là 53%.
Đặc biệt chăn nuôi heo đen là một ngành truyền thống và lâu đời của người dân tộc Raglai, được nuôi chủ yếu ở 4 huyện miền núi của tỉnh là Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc và Thuận Nam. Theo ước tính của các huyện, tỷ trọng số lượng heo đen trong tổng đàn heo chung từ 30-65%; cụ thể huyện Bác Ái có khoảng 4.000 con (chiếm tỷ lệ 65%), huyện Thuận Bắc có 3.500 con (52%), huyện Ninh Sơn khoảng 6.000 con (40%) và huyện Thuận Nam chừng 1.200 con (30%). Quy mô nuôi heo đen của các hộ thường nhỏ lẻ, dao động từ 2-5 con heo thịt hoặc 1-2 con heo nái. Heo đen tăng trọng chậm, khoảng 4-5 kg/tháng, nhưng chất lượng thịt ngon được thị trường ở các thành phố lớn ưa chuộng nên nhu cầu về thịt heo đen ngày càng tăng. Chuỗi giá trị heo đen được thực hiện trên 14 xã thuộc địa bàn 4 huyện nói trên, với tổng số 16.362 hộ, trong đó có 6.915 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 42,3%) và tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số là 74%.
Để nâng cấp chuỗi giá trị các cây, con trên và 5 chuỗi giá trị còn lại (tỏi, nho, táo, cừu, dê), Trung tâm KNKN tỉnh đã đề ra giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ và các tác nhân của chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây trồng, vật nuôi. Cụ thể là xây dựng mô hình thử nghiệm giống mới, sản xuất an toàn, tăng cường liên kết các tác nhân trong chuỗi và phát triển thị trường, tăng cường giá trị gia tăng sản phẩm thông qua chế biến. Trong đó xác định thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động, trách nhiệm các bên liên quan nhằm huy động nguồn lực của dự án một cách phù hợp và có hiệu quả cao.
Bạch Thương