DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Chiến: Chú trọng nâng cao chuỗi giá trị nông sản

(NTO) Phước Chiến là xã vùng cao của huyện Thuận Bắc. Toàn xã có 956 hộ, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do ảnh hưởng tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất thấp. Việc địa phương được chọn là một trong 4 xã của huyện hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay, Phước Chiến có tổng diện tích đất nông nghiệp 850 ha, trong đó đất lúa 25 ha, phần còn lại đất rẫy. Qua thực tế sản xuất hằng năm, cây lúa nước góp phần giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, tuy nhiên chưa phải là cây trồng chủ lục. Từ lâu Phước Chiến có tiếng với đặc sản chuối, mít, gần đây hình thành thêm vùng trồng mía cho thu nhập khá. Đối với cây chuối, trước đây các hộ chỉ trồng quanh rẫy. Do chuối thích hợp với thổ nhưỡng, thời tiết vùng núi, nên ngày càng có nhiều hộ trồng với quy mô lớn, hiện có khoảng 70 ha. Điển hình nông dân trồng chuối có hiệu quả là ông Chamaléa Biên ở thôn Đầu Suối A. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu về 30 triệu đồng. Riêng cây mía tuy mới đưa vào trồng cách đây 5 năm, nhưng hiệu quả vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Hộ trồng 1 ha mía mỗi vụ thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phước Chiến còn có thế mạnh phát triển chăn nuôi bò, heo đen, dê, cừu; trong đó, bò, heo đen chiếm ưu thế, với tổng đàn 6.500 con.

Được hỗ trợ của Dự án Tam nông, xã Phước Chiến xúc tiến
thành lập nhóm đồng sở thích đan lát ở thôn Tập Lá.

Qua phân tích, đánh giá tình hình sản xuất trên địa bàn 5 thôn, Ban Phát triển xã chọn chuỗi giá trị: bò, heo đen, chuối, mía, đan lát là thế mạnh, mong muốn được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông để phát triển. Hiện nay, xã đã thành lập được nhóm đồng sở thích nuôi bò ở thôn Động Thông và nhóm đồng sở thích trồng mía ở thôn Ma Trai, mỗi nhóm 35 hộ. Đồng chí Chamaléa Quyền, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, cho biết: Trước mắt chọn 2 thôn trên thành lập nhóm đồng sở thích vì những nơi này có điều kiện thuận lợi hơn. Cụ thể, như ở thôn Động Thông, nhờ tận dụng thảm cỏ tự nhiên ven hồ Sông Trâu làm nơi chăn thả nên đàn bò phát triển tốt. Còn ở thôn Ma Trai có trảng đất ven hồ Ma Trai phù hợp với trồng mía.

Đến nay, các nhóm đã đi vào hoạt động, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, trồng mía, cập nhật thông tin giá cả, đầu ra sản phẩm. Anh Ca Dá Thuyên, Trưởng nhóm đồng sở thích nuôi bò, cho biết: Vừa qua Dự án Hỗ trợ Tam nông đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Nhóm cũng đã mạnh dạn đề xuất Dự án hỗ trợ bò giống đực lai sind để phối giống với bò cái địa phương và được chấp thuận. Nhóm đã chọn được hộ có uy tín chăm sóc bò giống, được Dự án hỗ trợ kinh phí làm chuồng 2,5 triệu đồng, 1,5 triệu đồng trồng cỏ. Ở nhóm đồng sở thích trồng mía, các thành viên cũng đã được dự các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng mía. Mong muốn của nhóm là được Dự án hỗ trợ giống mới để thay 10 ha giống mía cũ đã trồng hơn 2 năm nay; đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, Ban Phát triển xã đang xúc tiến thành lập thêm nhóm đồng sở thích trồng chuối ở thôn Đầu Suối A và nhóm đồng sở thích đan lát ở thôn Tập Lá, nhóm đồng sở thích nuôi heo đen ở thôn Đầu Suối B.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, trong quý I, Dự án đã hỗ trợ làm hai tuyến đường nội đồng vận chuyển nông sản ở thôn Đầu Suối A và Đầu Suối B, dài 4,4 km, tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng; xây dựng kênh mương nội đồng ở thôn Đầu Suối A dài 800m, kinh phí 300 triệu đồng. Sắp tới, tiếp tục bê-tông đường nội đồng thôn Động Thông, nâng cấp sửa chữa đường vào hồ Ba Chi, đường ống dẫn nước tưới tiêu khu vực trồng mía ở thôn Ma Trai. Những công trình này khi đưa vào sử dụng góp phần nâng cao giá trị gia tăng chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, qua đó tạo điều kiện cho xã Phước Chiến thực hiện hiệu quả chương trình xóa nghèo bền vững.