Xã Phước Đại có diện tích tự nhiên trên 11.300 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 1.650 ha. Toàn xã có gần 940 hộ dân, với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó chiếm hơn 90% là đồng bào dân tộc Raglai. Theo Ban Phát triển xã, đây là dự án còn khá mới, lại triển khai tại địa phương có phần lớn bà con dân tộc thiểu số sinh sống nên cũng có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này những nội dung quan trọng trong một số Hợp phần cũng đã được Ban phát triển xã cơ bản hoàn thành. Trên cơ sở phân tích, đánh giá và nâng cấp của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, trong 6 chuổi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu ) địa phương đã thành lập được 5 nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) chăn nuôi bò. Mỗi nhóm gồm 30 người và đã ban hành quy chế hoạt động. Ngoài ra, với thế mạnh về cây lúa và bắp, địa phương cũng đã thành lập thêm 5 nhóm đồng sở thích trồng trọt, mỗi nhóm gồm 20 thành viên.
Phát triển bắp lai thương phẩm đang được xã Phước Đại đầu tư mở rộng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xác lập thêm các nhóm sở thích trồng trọt rất phù hợp trong định hướng hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Hiện nay, ngoài việc đang tập trung phát triển mở rộng diện tích canh tác lúa cao sản, các mô hình trồng bắp lai thương phẩm cũng đang được địa phương quan tâm mở rộng. Điển hình như mô hình bắp lai thương phẩm (giống SSC 586) được triển khai tại địa phương theo nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2 (năm 2012) đang rất được bà con quan tâm, với năng suất đạt từ 40-50 tạ/ha, tăng gấp 5-6 lần so với giống bắp của địa phương. Ông Lê Nhượng, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Phát triển xã cho biết: Việc thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi, trồng trọt rất phù hợp với thế mạnh thực tế của địa phương hiện nay và bước đầu thu hút khá đông bà con tham gia. Không chỉ để phục vụ trong Dự án Hỗ trợ Tam nông, trên cơ sở các nhóm đã thành lập địa phương cũng có hướng sẽ đưa các nhóm này vào tham gia các chương trình, dự án khác liên quan đến các mô hình thí điểm chăn nuôi, trồng trọt nếu được triển khai trên địa bàn xã sau này.
Nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên tổ nhóm và nhân dân trong vùng dự án, xã đã cử nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi bò theo Dự án Heifer; lớp quản lý giám sát cộng đồng; lớp tập huấn sổ tay hướng dẫn vận hành quỹ phát triển kinh tế phụ nữ… Ban Phát triển xã cũng đang tập trung triển khai hoàn thành 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa và bắp lai; 1 lớp xóa mù chữ cho nhân dân vùng dự án theo hợp phần về đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các thôn trên địa bàn.
Thực hiện hợp phần 3, về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, theo kế hoạch xã Phước Đại sẽ đầu tư 3 hạng mục công trình: 2 công trình sân phơi tại thôn Châu Đắc và thôn Tà Lú 3 và xây dựng đường giao thông thôn Ma Hoa đi kênh chính Bắc và Cống tràn qua suối vào khu sản xuất Ma Hoa phục vụ cho chuỗi giá trị lúa, bắp và đậu. Đến nay, các công tác liên quan đến khảo sát thực tế, phê duyệt đã hoàn thành. Hiện địa phương đang chuẩn bị các bước tiếp theo và ngay khi có vốn sẽ tiến hành thi công để sớm đưa vào sử dụng.
Trong 9 xã thuộc vùng Dự án của huyện Bác Ái, Phước Đại là địa phương duy nhất nằm trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2011 -2015. Với việc triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông cùng nhiều chương trình, dự án khác của Trung ương và tỉnh sẽ là động lực tạo điều kiện cho Phước Đại đổi thay tích cực về kinh tế-xã hội trong thời gian tới và hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Nguyễn Anh