Địa phương có tổng diện tích đất sản xuất là 256 ha, trong đó, 28 ha ruộng lúa sản xuất 1 vụ/năm, còn lại đất trồng màu. Từ thực tế điều kiện canh tác khó khăn do không chủ động nguồn nước, nên thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo bà con đưa vào trồng các loại cây phù hợp với đất đồi dốc như: bắp lai, chuối, mỳ… Đối với vật nuôi, chú trọng bò, dê, heo đen. Qua khảo sát, phân tích, đánh giá tình hình sản xuất trên địa bàn 5 thôn, xã xác định chuỗi giá trị bò, dê, heo đen, chuối là thế mạnh cần tập trung khai thác có hiệu quả. Trên cơ sở đó, xã đã thành lập được 3 nhóm đồng sở thích nuôi bò ở thôn Suối Le, Đá Liệt, Đá Mài Dưới, mỗi nhóm có 26 hộ, trong đó 15 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo.
Nhiều hộ gia đình ở xã Phước Kháng thoát nghèo nhờ nuôi heo đen.
Đến nay, sau 2 tháng thành lập, các thành viên trong nhóm đã họp thống nhất thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, thông tin giá cả thị trường. Anh Chamaléa Dũng, trưởng nhóm đồng sở thích thôn Đá Liệt, bày tỏ: Qua sinh hoạt nhóm, chúng tôi nhận thấy hạn chế nhất trong chăn nuôi ở vùng cao là chất lượng giống bò thấp, bà con chậm nắm bắt thông tin thị trường nên dễ bị thương lái ép giá. Nhóm đã đề xuất Dự án hỗ trợ 2 con bò giống đực cho phối với bò cái địa phương để cải tạo đàn.
Đồng chí Ka-tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đến nay, Ban Phát triển xã đã phối hợp với Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện mở một lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò; một lớp chăn nuôi heo đen và một lớp trồng chuối nhằm mục đích nâng kiến thức cho các thành viên nhóm. Riêng đề xuất hỗ trợ bò giống của các nhóm, xã đã tổng hợp chuyển lên Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, nếu không có gì thay đổi các nhóm sẽ được cấp bò giống trong tháng 8 tới. Hiện xã đang xúc tiến khảo sát để thành lập thêm các nhóm đồng sở thích trồng chuối và nuôi heo đen.
Theo báo cáo của Ban Phát triển xã, địa phương có khoảng 60 ha chuối. Đây là loại cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, “đầu ra” ổn định. Việc xác định thêm chuỗi giá trị về sản phẩm chuối sẽ mở ra triển vọng mới trong sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Đối với heo đen là vật nuôi truyền thống, phù hợp với tập quán của bà con vùng cao. Do chi phí thức ăn nuôi heo đen thấp, đầu ra ổn định, nên các hộ có xu thế tăng đàn. Trước mắt, trong tháng tới, địa phương thành lập nhóm đồng sở thích nuôi heo đen ở thôn Đá Mài Trên, sau đó phát triển thêm khoảng 3 nhóm ở các thôn còn lại.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, địa phương đã hoàn thành hồ sơ 3 hạng mục công trình đề nghị Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh hỗ trợ vốn, gồm: Nâng cấp sửa chữa đập tràn Suối Le, kinh phí xây dựng 400 triệu đồng; đường nội đồng ở thôn Cầu Đá, dài 1.000m, kinh phí 700 triệu đồng; hệ thống kênh mương nội đồng khu vực đất khai hoang phía dưới hồ Bà Râu cấp cho 70 hộ nghèo ở thôn Đá Mài Trên, kinh phí 500 triệu đồng. Đây là những công trình quan trọng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho sản xuất ở địa phương phát triển, góp phần vào đẩy nhanh tiến độ giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Anh Tùng