Lương Sơn: Đẩy nhanh triển khai các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

(NTO) Xã Lương Sơn là một trong 6 địa phương nằm trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông của huyện Ninh Sơn. Nhằm sớm đưa lợi ích của dự án đến với nhân dân, Ban phát triển xã đang tập trung đẩy nhanh việc triển khai các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.250 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp gần 3.120 ha. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước sản xuất luôn được chủ động nhờ hệ thống kênh mương được phân bổ tương đối đồng đều, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Lương Sơn đã phát huy những lợi thế về nông nghiệp lựa chọn các mô hình đầu tư sản xuất, nuôi trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Trên cơ sở phân tích, đánh giá và nâng cấp của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh trong 6 chuỗi giá trị gồm: táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu, địa phương đã thành lập được hai nhóm đồng sở thích, đó là chăn nuôi bò, một nhóm gồm 29 thành viên và một nhóm 30 thành viên. Hiện nay thành viên của các nhóm đã họp thống nhất và đề xuất hỗ trợ bò đực để phát triển.

 
Mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Lương Sơn.

Theo ông Đỗ Như Lanh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban phát triển Hỗ trợ Tam nông xã thì ngoài 2 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, với những điểm sáng từ nhiều mô hình về kinh tế nông nghiệp của xã lâu nay như lúa, bắp cao sản, nuôi cá, heo đen… địa phương cũng đang xác định thêm các chuỗi giá trị cụ thể từ các mô hình này đề xuất lên Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện có hướng chỉ đạo, định hướng cho xã. Theo thống kê, toàn xã Lương Sơn có diện tích trồng lúa, bắp cao sản chiếm gần 60 % đất sản xuất nông nghiệp, thu nhập từ hai loại cây trồng này khá ổn định; nhiều mô hình như nuôi cá điêu hồng thương phẩm, cá lăng nha, 1 lúa, 1 cá... được triển khai tại địa phương đang mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, việc định hướng xác định thêm các chuỗi giá trị về sản phẩm đối với các cây trồng, mô hình này là rất khả quan, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Để nâng cao năng lực cho các thành viên tổ nhóm và nhân dân trong vùng dự án, cùng với việc tạo điều kiện cho nông dân tham gia lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi bò do các ngành chức năng tỉnh mở, Ban Phát triển xã cũng đã triển khai tập huấn 1 lớp về kỹ thuật canh tác và sản xuất lúa; dự kiến từ nay đến đầu tháng 8 sẽ mở thêm 3 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho bò, heo; nuôi cá nước ngọt; 1 lúa, 1 cá và kỹ thuật chăm sóc phòng bệnh cho gia cầm.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, địa phương đã được phê duyệt nâng cấp sửa chữa đường nội đồng tại Đội 4, thuộc thôn Tân lập 1, với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng. Hiện nay, xã cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành khảo sát và thiết kế trình UBND huyện phê duyệt. Đây được xem là một trong những tuyến đường quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ giúp phục vụ phát triển chuỗi giá trị lúa, bắp, mì… của địa bàn 5/6 thôn tại địa phương.