DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

An Hải: Chú trọng đầu tư hạ tầng và phát triển nhóm cùng sở thích

(NTO) An Hải là một trong ba xã thuộc vùng Dự án hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước. Với diện tích tự nhiên gần 2.092 ha, trong đó có gần 1.457 ha đất nông nghiệp. Tuy vẫn canh tác 230 ha ruộng lúa (2 vụ), nhưng chính cây nho, táo và rau màu các loại mới thực sự là thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của An Hải. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, An Hải hiện có tổng đàn trên 950 con.

Anh Huỳnh Thuệ, cán bộ Nông nghiệp và là thành viên Ban Phát triển xã An Hải cho biết: Trong 6 chuỗi giá trị được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện chọn cho xã 2 chuỗi giá trị (táo, bò) và xác định đó là thế mạnh để giúp các hộ nghèo vươn lên.

Nhiều gia đình ở xã An Hải đã đầu tư nuôi bò, nhằm nâng cao đời sống.
Ảnh: Văn Miên

Căn cứ vào chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể đã xác định, An Hải đã thành lập được 4 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) trồng táo và 2 tổ chăn nuôi bò tại các thôn Long Bình 1, Long Bình 2 và An Thạnh 1, An Thạnh 2. Bình quân mỗi tổ nhóm táo có 12-16 thành viên và mỗi tổ nhóm bò có 6 thành viên. Để nâng cao năng lực tổ nhóm, cùng với việc cử nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi bò, trồng táo do các ngành chức năng tỉnh mở, Ban Phát triển xã còn lập kế hoạch phối hợp với DASU huyện mở tại chỗ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng thôn, như tập huấn kỹ thuật trồng hành, tỏi theo hướng VietGAP; kỹ thuật trồng táo, nho và tiếp cận thị trường; kỹ thuật chăn nuôi cừu cho người dân các thôn; đặc biệt là mở lớp xoá mù chữ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thôn Hoà Thạnh.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, theo kế hoạch của DASU huyện, sắp đến An Hải sẽ tiến hành bê-tông đường nội thôn Tuấn Tú đi ra khu sản xuất rau an toàn có chiều dài 435 m; nâng cấp tuyến bờ mương nội đồng vùng ruộng lúa Tà Đe có chiều dài 366 m và bê-tông bờ tràn vùng ruộng Rọc thuộc các thôn Long Bình 1, Long Bình 2. Cùng với các tổ nhóm đồng sở thích, Ban Phát triển xã An Hải còn thành lập nhóm vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng đã hoàn thành từ các dự án khác và cả các công trình dự kiến đang chuẩn bị thi công của Dự án hỗ trợ Tam nông.

Theo đồng chí Trương Mai Lĩnh, Bí thư Đảng uỷ xã An Hải, trong việc khắc phục các mặt hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) mà Đảng uỷ đang tập trung, có cả việc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án hỗ trợ Tam nông. Hiện nay Ban Phát triển xã An Hải đang xúc tiến thăm dò ý kiến, nhu cầu của các thôn để lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 theo hướng dẫn của DASU huyện và Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh; đồng thời trình UBND huyện phê duyệt cung cấp vốn cho hoạt động tổ, nhóm và xây dựng hạ tầng.

Với dân số khoảng 3.282 hộ (14.700 người), An Hải còn 268 hộ nghèo, một tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân nghèo được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giải thích là do địa hình An Hải nằm vùng cuối kênh Nam nên thường xuyên bị lũ lụt gây thiệt hại mùa màng, mùa khô dễ bị khan hiếm nước, thêm nữa kết cấu hạ tầng chưa xây dựng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi, đã kìm hãm sự phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Vì vậy với việc hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông, An Hải sẽ có điều kiện khắc phục khó khăn, định hướng cho các hộ dân phương cách thoát nghèo bền vững.