DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Thuận Nam: Chú trọng phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi

(NTO) Vùng dự án hỗ trợ Tam nông huyện Thuận Nam được triển khai tại các xã Nhị Hà và Phước Hà với dân số gồm 1.643 hộ, trong đó có 461 hộ nghèo và 267 hộ cận nghèo. Xác định mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ở nông thôn một cách bền vững, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Thuận Nam đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án, chú trọng phát triển chuỗi giá trị bò, dê, cừu và heo đen.

Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 56.453 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 10.877 ha, riêng đất lúa là 1.441 ha, còn lại là diện tích đất trồng cây hàng năm khác nhưng sản suất không chủ động nước, vì thế trong những năm qua chăn nuôi đại gia súc luôn được coi là lợi thế của huyện Thuận Nam. Đặc biệt đối với 2 xã vùng dự án, do điều kiện tự nhiên, khí hậu thích hợp, lĩnh vực chăn nuôi được DASU Thuận Nam lựa chọn ưu tiên phát triển.

Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng đàn gia súc, đàn cừu
là thế mạnh về phát triển chăn nuôi của huyện Thuận Nam.

Theo thống kê, đến nay toàn huyện có tổng đàn gia súc khoảng 71.500 con, trong đó có 17.690 con bò, gần 16.000 con dê, khoảng 32.250 con cừu và trên 5.400 con heo. Tuy chiếm tỷ lệ không lớn nhưng 2 xã vùng dự án luôn là địa bàn trọng điểm, nơi hội tụ các đàn gia súc có sừng của các xã lân cận trong huyện lên chăn thả. Anh Lưu Ngọc Lễ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong 6 chuỗi giá trị được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp, DASU Thuận Nam chỉ chọn 4 chuỗi giá trị (táo, bò, dê, cừu) và vừa bổ sung thêm chuỗi giá trị sản phẩm heo đen, đồng thời đề xuất xác định thế mạnh chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng xã, trong đó tập trung nhất vẫn là chuỗi giá trị bò và heo đen.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, Thuận Nam chủ trương chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp ở các xã miền núi, cận sơn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ, đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất/ha. Theo hướng đó, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đang tích cực giúp đỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án trên địa bàn huyện. Sau khi tổ chức nhiều đợt tập huấn về phát triển và thành lập tổ, nhóm đồng sở thích, vừa qua Thuận Nam đã thành lập được 4 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) chăn nuôi bò tại 2 xã vùng dự án, trong đó mỗi xã có 2 tổ (mỗi tổ có 15-20 thành viên). Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay đàn bò xã Phước Hà có 1.200 con và xã Nhị Hà có 1.100 con. Những năm qua, nhờ khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các lợi thế khác, người dân đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ của mô hình nuôi bò vỗ béo. Điển hình như hộ ông Lê Văn Long, xã Nhị Hà, hằng năm nuôi vỗ béo 10 con bò nên đã tăng thu nhập đáng kể. Vì vậy việc chuyển vốn về các tổ nhóm nuôi bò sẽ có tác động tích cực cho việc nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo ở 2 xã vùng dự án.

Riêng việc nuôi heo đen bản địa thương phẩm tuy chỉ khôi phục trong những năm gần đây, nhưng đã có một số hộ dân Ragalai xã Phước Hà biết áp dụng phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới. Ước tính toàn xã đang nuôi chừng 500 con heo đen và đang bắt đầu có đầu ra ổn định. Thấy được ưu điểm vượt trội của heo đen, vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình, người dân xã Nhị Hà cũng đang phát triển nuôi và xác định đó là chuỗi giá trị cần được dự án hỗ trợ. Cùng với việc bổ sung xác định chuỗi giá trị heo đen, DASU Thuận Nam đang xúc tiến thành lập tổ nuôi heo đen bản địa ở xã Phước Hà và Nhị Hà. Theo anh Lưu Ngọc Lễ, đây là một hướng đi rất đúng vì nguồn lực đầu tư không lớn, dự án có thể hỗ trợ 5-6 con giống heo đen cho mỗi hộ nuôi dễ dàng và việc hưởng lợi cũng nhanh chóng hơn, người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững từ sản phẩm heo đen này.

Có thể nói với thế mạnh chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen bản địa cùng một số sản phẩm mít, tre lấy măng đang trong bước phân tích, đánh giá của nhà tư vấn, 2 xã vùng Dự án hỗ trợ Tam nông huyện Thuận Nam đang có nhiều cơ hội để vươn lên. Vấn đề là phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thành lập các tổ nhóm đồng sở thích theo chuỗi giá trị đã xác định, để từ cơ sở này Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đưa vốn về cho tổ nhóm hoạt động. Điều này đòi hỏi DASU Thuận Nam phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch cung cấp vốn trình UBND huyện phê duyệt, trong đó bao gồm cả việc thực hiện kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ chuỗi giá trị bò, dê, cừu.