Trong những năm qua, nhờ khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên và các nguồn lực khác, Thuận Bắc đã đạt được kết quả bước đầu từ các mô hình nuôi bò vỗ béo và nuôi heo đen bản địa thương phẩm. Tuy nhiên nhìn chung Thuận Bắc vẫn là huyện nghèo, có 5/6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì vậy để đạt mục tiêu tổng thể cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình vùng dự án một cách bền vững, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Thuận Bắc đang được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tích cực giúp đỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án. Anh Đỗ Thu Nam, cán bộ quản lý Hợp phần 1 (Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh) cho biết: Trong tháng 5 vừa qua, DASU Thuận Bắc đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phát triển và thành lập tổ, nhóm đồng sở thích cho cán bộ đoàn thể cấp huyện, Ban Phát triển xã và đoàn thể xã, cán bộ cấp thôn. Đây là nền tảng để sắp đến các tổ, nhóm sẽ nhận vốn chuyển giao về đầu tư các chuỗi giá trị sản phẩm thế mạnh.
Đàn cừu chăn nuôi theo hướng bán thâm canh của nông dân xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc
Ảnh: Sơn Ngọc
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay vùng dự án huyện Thuận Bắc đã thành lập được 9 tổ, nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích), trong đó có 8 tổ chăn nuôi bò tại 4 xã vùng dự án (mỗi xã có 2 tổ, mỗi tổ có 10-15 thành viên) và 1 tổ nuôi heo đen bản địa ở xã Lợi Hải gồm 20 thành viên. Cũng như các huyện khác, ngoài 6 chuỗi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu) được phân tích, DASU Thuận Bắc đã xác định thêm thế mạnh chuỗi giá trị sản phẩm heo đen. Hiện nay, các tổ chăn nuôi bò ở Thuận Bắc đã họp bàn và thống nhất ý kiến chuyển đổi từ giống bò đực sang giống bò cái, căn cứ vào đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ trì thực hiện Hợp phần 2) và các đơn vị đồng thực thi Hợp phần 2 đang xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết để thực hiện chuyển vốn các hoạt động này về cho Ban Phát triển xã. Theo anh Đỗ Thu Nam, dự kiến khoảng giữa tháng 6, DASU Thuận Bắc sẽ xúc tiến mua giống cung cấp cho các tổ, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/tổ, khả năng mỗi tổ sẽ mua được 2 con bò cái. Về cách nuôi, sẽ theo phương thức nuôi xoay vần, hộ khó khăn nhất trong tổ được nhận nuôi trước, khi sinh sản ra bê, sẽ chuyển bò cái cho hộ khác tiếp tục nuôi.
Đề cập đến lợi thế chăn nuôi của huyện Thuận Bắc, bên cạnh bò, không thể không kể tới heo đen. Toàn huyện hiện có tổng đàn heo chừng 7.000 con, ngoài việc nuôi heo chuồng đã phổ biến lâu nay, đáng chú ý là những năm gần đây Thuận Bắc bắt đầu khôi phục phát triển nuôi heo đen bản địa của người dân Ragalai nhưng theo phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới. Heo đen bản địa, còn được gọi là heo núi có ưu điểm vượt trội vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình. Việc chăm sóc heo nuôi cũng nhẹ hơn và ít lo dịch bệnh gây hại nên rất thuận lợi cho người nuôi tăng đàn. Theo một người dân chuyên thu mua và bán thịt heo đen ở thôn Bà Râu (Lợi Hải), hằng tuần các nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu cung cấp từ 30 đến 40 con heo đen loại trọng lượng 5-7 kg/con. Cho nên việc xác định chuỗi giá trị và thành lập tổ nuôi heo đen bản địa ở xã Lợi Hải là một hướng đi rất đúng. Song vì lý do thủ tục, việc chuyển vốn cho tổ hoạt động chưa thực thi. Anh Đổng Cao Trí, cán bộ quản lý Hợp phần 1 (Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh) giải thích: Đây là chuỗi giá trị mới, còn phải qua bước phân tích, đánh giá của nhà tư vấn nên chưa chuyển vốn về, nhưng nếu mọi thủ tục xong, dự án còn có thể hỗ trợ cả việc xây dựng thương hiệu heo đen Thuận Bắc.
Từ nay đến cuối tháng 6, để đẩy nhanh tiến độ dự án, DASU Thuận Bắc đặt trọng tâm hoàn thành thủ tục đầu tư cho các công trình hạ tầng nông thôn và phát triển tổ, nhóm đồng sở thích. Theo chúng tôi, trừ các tổ, nhóm nuôi bò sắp thực hiện, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh cần nhanh chóng đưa vốn về cho tổ nuôi heo đen bản địa hoạt động. Vì từ mô hình của tổ, với phương cách chăn nuôi và tiêu thụ bền vững, khi nhân rộng hơn, sản phẩm heo đen chắc hẳn sẽ giúp cải thiện đáng kể đời sống bà con vùng dự án.
Bạch Thương